Dạ alo, mình là người nhà bệnh nhân F0 N.T.B (68 tuổi) rơi vào hôn mê, có tiền căn cao huyết áp, bệnh tim mạch phải không chị ơi. Chị thử bấu xem cô có phản xạ gì không ạ? Chị kê cao gối ở phần đầu và lưng cho bệnh nhân dễ thở. Xe em tới ngay - vừa nói, Nguyễn Minh Hoàng (24 tuổi, sinh viên ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) và ông Nguyễn Đức Dũng (52 tuổi, tài xế taxi Mai Linh) tức tốc mặc đồ bảo hộ phi ra chiếc xe màu xanh.
Từ 28.7, ông Dũng và chàng trai sinh viên trường y cùng anh Vũ Đình Danh (34 tuổi, điều dưỡng BV 115) cùng chuyển đến một trường học ở Nhà Bè thực hiện 3 tại chỗ, bắt đầu những chuyến taxi cấp cứu F0 ở TP.HCM. 3 người xa lạ, cùng một nhiệt huyết, cùng một mục tiêu nhanh nhất cứu được bệnh nhân F0 qua cơn nguy kịch.
Lằn ranh sinh tử
Kítttt.
Chiếc xe taxi dừng lại trước hẻm 1716 đường Huỳnh Tấn Phát (H.Nhà Bè, TP.HCM), Minh Hoàng vội vàng xuống xe, ôm bình oxy nặng 15kg chạy một mạch gần 500 mét vào nhà bệnh nhân F0 theo địa chỉ nhận được. Bệnh nhân đã hôn mê 2 tiếng, lay gọi không phản xạ, bình oxy có sẵn trong nhà đã hết, chàng sinh viên y đa khoa lập tức thay dây oxy qua bình vừa mang vào. 15 phút sau, SpO2 của bệnh nhân từ 45% tăng lên 61%, bệnh nhân dần hồi tỉnh.
|
Người dân TP.HCM gọi taxi cấp cứu thế nào?
Theo kế hoạch phối hợp giữa Sở Y tế TP.HCM và taxi Mai Linh, 200 xe taxi sẽ chuyển đổi công năng, hoạt động như xe cấp cứu trong thời gian này. Như vậy, bệnh nhân là F0 cần đi cấp cứu bằng taxi có thể gọi trung tâm cấp cứu 115.
Sau khi sắp xếp được bệnh viện nhận bệnh gần khu vực, trung tâm cấp cứu 115 sẽ điều xe cấp cứu hoặc taxi cấp cứu đến để cấp cứu ban đầu, vận chuyển bệnh nhân F0 đi bệnh viện. Trên xe taxi cấp cứu luôn có bình oxy, nhân viên y tế kịp thời hỗ trợ các ca bệnh nặng.
Với các bệnh thông thường khác khi cần đi cấp cứu, người dân có thể gọi số tổng đài Mai Linh 1055 hoặc tổng đài Vinasun 028 38 27 27 27.
|
Hoàng báo lại trung tâm cấp cứu 115 nhờ sắp xếp gấp bệnh viện vì F0 đang trong tình trạng nặng. 60 phút sau, trung tâm báo đã sắp xếp được với BV Q.7, xe taxi mới bắt đầu vào trong hẻm để đưa bệnh nhân đi cấp cứu.
Trên xe, ông Dũng tập trung cao độ, đôi mắt nhíu lại, mồ hôi lấm tấm quanh mắt, chiếc kính bảo hộ cũng đã đọng hơi nước li ti phủ khắp bề mặt, tài xế hơn 20 năm kinh nghiệm ôm chặt vô lăng, liên tục bấm còi xin đường. Chưa đầy 10 phút, xe taxi đã đậu trước cửa phòng cấp cứu.
“Hiện tại bệnh viện đang thiếu oxy, hai nữa là không có chỗ nằm, nhập viện giờ là phải nằm dưới sàn, nằm đất. Nếu người nhà chấp nhận, đồng ý ký tờ giấy thì bác sĩ cho vô, còn oxy thì không thể đảm bảo được, bệnh viện quá tải rồi”, bác sĩ mặc đồ bảo hộ kín mít thông báo qua ô cửa xe. Người nhà bà B. lập tức đáp “dạ, dạ” rồi xuống xe giải quyết thủ tục.
|
Minh Hoàng tiếp tục xem các chỉ số hiển thị của bệnh nhân, nhắc bà B. thở đều, bình tĩnh, “cố lên nha cô” – Hoàng liên tục động viên. Bên dưới, thấy người nhà bà B. khựng lại khi đọc tờ cam kết, tài xế Dũng động viên: “Cứ ký đi chị, đợi bệnh nhân khác chuyển đi khu khác thì sẽ có bình oxy cho nhà mình”. Xong xuôi, bà B. được chuyển vào trong trên chiếc xe lăn, người nhà lấy hết đồ đạc trên taxi xuống, cảm ơn rối rít, hỏi bao nhiêu tiền để thanh toán. Tài xế Dũng đáp: “Chuyến xe miễn phí, chị tập trung lo cho cô nhé”. Nói rồi, cả hai cầm bình xịt khuẩn xịt khắp trong, ngoài xe, tay cầm… trước khi trở về lại điểm tập kết.
|
Trên xe, Hoàng tranh thủ xịt khuẩn tiếp thêm một lần nữa, hạnh phúc tâm sự: “Em cảm thấy mừng lắm, tinh thần rất sảng khoái vì vừa cứu được một mạng người. Đây chắc là cảm giác mà các y bác sĩ cảm nhận được, làm động lực tiếp tục với nghề, dù có cực thế nào đi nữa”.
Ông Dũng cũng kể, từ 29.7 đến nay, chở gần 20 F0 đi cấp cứu, ông càng cảm nhận rõ được lằn ranh sinh tử mong manh thế nào. “Cứu bệnh nhân tỉnh lại, rồi đưa họ đến được bệnh viện tiếp nhận là điều vui nhất với anh em tôi. Không còn gì vui hơn bằng mình cứu được một mạng người”.
|
Vậy nhưng, có một ca bệnh khiến cả đội 3 người nặng trĩu trong lòng. Nhận thông tin cần chuyển một ca F0 nặng đi viện, cả ba người vội vàng lên xe, nhưng đến nơi thì người nhà báo bệnh nhân vừa mất. “Quay đầu xe quay về mà trong lòng buồn không chịu được, ngủ không nổi”, ông Dũng tiếc nuối…
Run bần bật, nhưng vẫn quyết tâm
Ông Dũng cho hay, nhiều năm làm tài xế taxi Mai Linh, ông hiểu rõ từng ngóc ngách ở Sài Gòn. 2 tháng trước, vì dịch Covid-19, ông chỉ nằm không ở nhà do không có khách. Ngày vừa gỡ phong tỏa xóm, công ty thông báo tìm tài xế tình nguyện chở cấp cứu F0 ông liền đăng ký tham gia. Nói về lý do, ông ngắn gọn: “Vì tôi là người Sài Gòn, phải có trách nhiệm với cộng đồng, góp chút sức để cùng TP chống dịch”.
|
Sẵn sàng tinh thần là vậy, nhưng khi cuộc điện thoại đầu tiên, tay chân ông run lẩy bẩy, tài xế taxi 20 năm ôm vô lăng, chở nhiều người đi cấp cứu nhưng có bao giờ chở F0. Vừa chạy vừa run, vậy mà đến nơi nhìn bệnh nhân F0 hơn 60 tuổi, mất ý thức, người nhà bệnh nhân liên tục khóc lóc, ông Dũng quên luôn sợ sệt, sắn tay phụ đồng đội.
Ông kể: “Cuốc đầu tiên chúng tôi phải mất 3,5 tiếng vì phải chờ Trung tâm cấp cứu 115 sắp xếp được với bệnh viện còn chỗ để nhận bệnh. Suốt thời gian đó, chúng tôi phải cho bệnh nhân thở bằng oxy chuyển bệnh được trang bị. Bệnh nhân vào được nhập viện, anh em tôi rưng rưng vì cứu được một người. Giờ thì dù taxi cấp cứu kéo dài 14 ngày hay 1 tháng anh em tôi vẫn đi, không sợ nữa đâu”.
|
Khác với tài xế taxi, điều dưỡng Vũ Đình Danh không quá lo sợ vì đã từng lấy mẫu test nhiều trường hợp dương tính tại Q.Bình Tân. Bằng kinh nghiệm của mình, đến nơi, anh có thể tiên lượng được tình trạng bệnh. Có những ca khi đội vừa đến đã rơi vào hôn mê, tay chân tím tái, nhưng được tiếp oxy kịp thời, bệnh nhân đã dần có ý thức trở lại.
Anh bộc bạch: “Mặc đồ bảo hộ rồi là không được uống nước nữa. Cổ họng khát khô, mồ hôi thì ra như tắm ướt sũng cả bộ đồ, nhưng cũng chưa thấm tháp gì với bác sĩ ở phòng hồi sức, họ phải mặc liên tục 8 tiếng như vậy, nhịn ăn, nhịn vệ sinh, nhịn nước. Chúng tôi dù được địa phương hỗ trợ cơm theo bữa, nhưng về đến điểm tập kết uống nước lưng bụng xong khỏi ăn cơm, khuya đói mỗi người làm gói mì cho ấm bụng, vậy cũng qua bữa”.
|
|
Từ khi tham gia vào đội taxi cấp cứu vừa tròn một tuần, Minh Hoàng luôn tất bật với những cuộc điện thoại nhờ tư vấn của F0 ở khu vực Nhà Bè. Ai gọi, bất kể giờ nào Hoàng đều nghe máy, hướng dẫn cách hạ sốt, giảm đờm, cách dễ thở hơn cho F0 điều trị tại nhà.
Theo lời Hoàng, ban đầu 3 người được xếp vào 3 phòng học khác nhau để ngủ nghỉ, nhưng đêm đến, thấy trống trải, cả 3 dọn vào chung một phòng để tiện hỗ trợ nhau khi có điện thoại cấp cứu.
|
Trong phòng 3 chiếc giường cát-tông được kê ở 3 góc, mấy gói mì, vài quả trứng, bịch xúc xích, cà phê hòa tan đặt gọn trên bục giảng. 150 lít dung dịch sát khuẩn được cả ba chuẩn bị sẵn để thoải mái sử dụng, bình oxy vừa lãnh về cũng đặt gọn một góc. Đồng hồ điểm 20 giờ, người ăn mì, người uống ly cà phê thay bữa tối. Tài xế Dũng cứ ngồi cười sảng khoái nói nay là ngày vui vì hoàn thành nhiệm vụ, đưa bệnh nhân nhập viện.
“Cứ 3 ngày anh em tôi lại test nhanh Covid-19. Mỗi lần test hồi hộp như dò số trúng độc đắc. Mỗi đứa một góc, không ai nhìn ai, không ai dám nói chuyện với ai hết, rất là lo. Đúng 15 phút là 1 2 3 ba anh em chạy tới nhìn kết quả, vỗ tay la làng”, tài xế cười chia sẻ.
|
|
Càng về khuya, khu vực tập kết càng vắng lặng, xung quanh tối đen như mực, chỉ còn tiếng gió rít qua các ô cửa sổ, mỗi người ôm một chiếc điện thoại gọi về gia đình, đây cũng là những phút nghỉ ngơi hiếm hoi của biệt đội taxi cấp cứu F0 tại TP.HCM.
Bình luận (0)