Trong những năm đầu thập niên 1930, cao su rớt giá làm nhiều đồn điền phá sản trong đó có bà de la Souchère. Từ năm 1933, bà phải cho một số nhân vật và đoàn thể mướn tòa biệt thự. Đến năm 1936, tòa nhà trở thành nơi giám đốc Ngân hàng Đông Dương (Banque de l'Indochine) trú ngụ. Do bị thiếu nợ vì giá cao su xuống thấp, Ngân hàng Đông Dương xiết nợ và phát mãi đồn điền của bà.
Từ năm 1945 đến năm 1954, tòa nhà được quân đội Pháp trưng dụng, lúc đầu là nhà ở của tướng Philippe Leclerc (1945-1946), chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương, theo chân quân đội Anh có nhiệm vụ giải giới quân đội Nhật sau khi thế chiến thứ hai chấm dứt. Sau khi Pháp bại trận và rời Đông Dương, vào thập niên 1960, tòa nhà được dùng làm Phân khoa Y Dược của Đại học Sài Gòn. Sau đó là nhà của Phó tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Sau khi đất nước thống nhất, tòa nhà được dùng làm Nhà Văn hóa Thiếu nhi, nay là Nhà Thiếu nhi Thành phố.
Bà Janie-Marie de la Souchère đến Nam kỳ vào năm 1904, khi theo chồng mới cưới, ông Charles Rivière de la Souchère, đến nhận công việc làm hoa tiêu trên sông Sài Gòn. Nhiệm vụ của ông là dẫn tàu từ cửa Cần Giờ vào cảng Sài Gòn. Cuộc sống tù túng ở nhà và sau một thời gian trong môi trường xã hội giới hạn, bà cảm thấy buồn chán, vì thế bà bàn với ông de la Souchère mua 300 ha đất rừng hoang ở Long Thành, cách Sài Gòn 55 km hướng đông bắc, vào năm 1909. Năm sau, bà mướn một số nhân công, phát hoang và một đồn điền cao su dần được thành lập. Sau một thời gian khó khăn, phải đối chọi với thiên nhiên và thú dữ, rồi vào năm 1913, một cơn hỏa hoạn lớn đã tiêu hủy hoàn toàn 50.000 cây cao su vừa mới trồng. Đến năm 1914, đồn điền Tân Lộc của bà mới thành hình và bắt đầu hoạt động.
Vận may chưa đến thì tai họa xảy ra khi chồng bà thình lình mất vì bạo bệnh vào năm 1916. Một thân một mình, bà quyết tâm lao vào công việc biến đồn điền còn đang dang dở thành một cơ sở sản xuất thành công. Sau đó bà thay chồng làm chủ và là giám đốc Công ty đồn điền trồng Cao su Souchère (Société des plantations des Hévéas de la Souchère). Năm sau bà thay thế chồng trở thành hội viên phụ nữ đầu tiên của Liên đoàn những người trồng cao su (Syndicat des planteurs de Caoutchouc) và Phòng Canh nông Nam kỳ (Chambre d'Agriculture de la Cochinchine).
Bà nói tiếng Việt sành sỏi, đối xử tốt với công nhân và gia đình của họ. Trong đồn điền, bà xây nhà, trường học, chùa, nhà thờ, nhà bảo sanh và bệnh xá cho họ. Bà thường sống ở đồn điền, ít khi về Sài Gòn, ngay cả khi tòa nhà xây xong ở đường Mac-Mahon (Nam Kỳ Khởi Nghĩa) bà cũng ở không lâu. Sau này bà nhận hai người con nuôi Việt Nam. Bà tranh đấu cho quyền phụ nữ, kêu gọi Hội đồng Quản hạt cho phép phụ nữ Pháp và bản xứ được quyền bỏ phiếu.
Trong những năm đầu thập niên 1920, đồn điền của bà phát đạt và bà trở nên giàu có, được nhiều người biết đến, sau đó bà được bầu là Phó chủ tịch Hội Cao su vào năm 1922 và không lâu sau làm Chủ tịch hội. Nhưng vào cuối thập niên 1920 đến đầu thập niên 1930, khủng hoảng kinh tế thế giới làm các nhà sản xuất cao su và lúa gạo ở Nam kỳ gặp khó khăn do nông phẩm rớt giá. Nhiều người sạt nghiệp vì nợ ngân hàng, trong đó có bà de la Souchère.
Bà bị Ngân hàng Đông Dương xiết nợ, lấy đồn điền và tài sản. Ngày 28.9.1933, đồn điền của bà được bán cho ngân hàng chỉ với giá 100.000 đồng, trong khi trị giá vào năm 1929 trước lúc khủng hoảng kinh tế là khoảng 2 triệu đồng.
Năm 1993, Liên đoàn những người trồng cao su viết thư lên Toàn quyền Đông Dương than phiền về sự kiện Ngân hàng Đông Dương đã lấy và mua lại đồn điền rất bất công để xiết nợ - đồn điền mà bà de la Souchère đã cực nhọc gầy dựng trong nhiều năm qua.
Đồn điền không còn, nhà không còn, bà mướn một căn hộ ở chung cư số 213 rue Catinat (Đồng Khởi) và tìm việc làm cho đến năm 1936 thì trả hết nợ. Bà trở về Pháp năm 1938. Hài cốt của chồng bà chôn ở đồn điền được bà mang về Pháp. Bà qua đời vào năm 1963. (còn tiếp)
(Trích Kiến trúc đô thị và cảnh quan Sài Gòn - Chợ Lớn xưa và nay; Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM)
Bình luận (0)