Biệt thự Đốc phủ sứ 100 năm tuổi ở Biên Hòa: Phá bỏ hay bảo tồn?

Lê Lâm
Lê Lâm
23/09/2024 06:26 GMT+7

Ngôi biệt thự của Đốc phủ sứ Võ Hà Thanh tròn 100 tuổi, tọa lạc ven sông Đồng Nai, có kiến trúc độc đáo nhưng vì không được xem là di tích nên cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai lên phương án đập bỏ để lấy mặt bằng thi công đường giao thông.

NGUY CƠ BỊ ĐẬP BỎ

Đường ven sông Đồng Nai là dự án trọng điểm trên địa bàn TP.Biên Hòa, có chiều dài hơn 5 km, kéo dài từ cầu Hóa An (TP.Biên Hòa) đến xã Bình Hòa (H.Vĩnh Cửu). Đường được thiết kế rộng 34 m, trong đó vỉa hè mỗi bên 5 m, mặt đường 24 m. Tổng mức đầu tư gần 2.000 tỉ đồng từ nguồn ngân sách. Trong đó, 1.339 tỉ đồng dành cho việc xây dựng tuyến đường; còn 613 tỉ đồng dành cho dự án xây dựng kè ven sông.

Biệt thự Đốc phủ sứ 100 năm tuổi ở Biên Hòa: Phá bỏ hay bảo tồn?- Ảnh 1.

Ngôi biệt thự Đốc phủ sứ Võ Hà Thanh tọa lạc ven sông Đồng Nai

ẢNH: LÊ LÂM

Để có mặt bằng thực hiện dự án, hơn 500 hộ dân bị ảnh hưởng phải di dời toàn bộ hay một phần nhà cửa đang sinh sống. Trong số này có biệt thự 100 tuổi của Đốc phủ sứ Võ Hà Thanh.

Theo tài liệu, ông Võ Hà Thanh sinh năm 1876, xuất thân từ một gia đình nghèo ở Quảng Ngãi, theo cha vào Biên Hòa khi còn nhỏ. Tại vùng đất Biên Hòa, ban đầu ông làm thuê, sau đó chuyển qua làm chủ, mở hầm khai thác đá, lập đồn điền cao su… và dần trở nên giàu có, thành chủ đồn điền lớn của Biên Hòa, trở thành đốc phủ sứ...

Biệt thự trên được ông cho xây năm 1922, hoàn thành năm 1924 với kiến trúc kiểu Pháp cùng nhiều vật liệu được đưa từ Pháp qua. Biệt thự có mặt hướng sông Đồng Nai, lưng tựa vào núi Bình Điện, thuộc P.Bửu Long (TP.Biên Hòa, Đồng Nai). Năm 1996, ngôi nhà này được chọn làm bối cảnh chính để quay bộ phim Người đẹp Tây Đô.

Hiện tại các cháu chắt của ông Võ Hà Thanh đang sống trong ngôi biệt thự. Trước đây, ngôi nhà cách bờ sông khoảng 20 m, cây cối um tùm che phủ nên như chìm vào quên lãng, mất hút theo thời gian. Kể từ khi dự án đường ven sông Đồng Nai hình thành, mặt bằng được giải tỏa, ngôi biệt thự lộ dần ra mặt tiền, trở nên nguy nga và nổi bật cả một vùng.

[FLYCAM] Cận cảnh biệt thự 100 tuổi ven sông Đồng Nai gây xôn xao mạng xã hội

Ủng hộ quan điểm giữ lại để bảo tồn

Chứng kiến hình ảnh cũng như câu chuyện nêu trên, nhiều chuyên gia nghiên cứu về văn hóa lịch sử và dư luận đã lên tiếng, bày tỏ tiếc nuối về việc biệt thự của Đốc phủ sứ Võ Hà Thanh có nguy cơ "chỉ còn trong ký ức", đồng thời mong muốn chính quyền giữ lại biệt thự này để bảo tồn.

Biệt thự Đốc phủ sứ 100 năm tuổi ở Biên Hòa: Phá bỏ hay bảo tồn?- Ảnh 2.

Mặt trước của biệt thự

ẢNH: LÊ LÂM

Ngày 22.9, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trần Quang Toại, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đồng Nai (nguyên Phó giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Đồng Nai), cho hay lâu nay có một vấn đề phát sinh trong quá trình xây dựng và phát triển KT-XH là bảo tồn các giá trị di sản, để giải quyết mâu thuẫn này là vấn đề rất khó khăn. Về trường hợp biệt thự của Đốc phủ sứ Võ Hà Thanh, ông Trần Quang Toại ủng hộ quan điểm nên giữ lại để bảo tồn.

"Ngôi nhà trên mang nhiều ý nghĩa, giá trị lịch sử và văn hóa vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, tôi nghĩ nên có biện pháp giữ lại. Chúng ta cũng thấy không phải lúc nào con đường thẳng cũng đẹp, bây giờ nắn con đường để giữ lại ngôi nhà trên cũng hay, lúc đó một bên là con đường uốn lượn ven sông, cạnh đó là ngôi biệt thự 100 tuổi, giúp bảo tồn và phát triển các giá trị di sản trên địa bàn", Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đồng Nai bày tỏ.

Đồng quan điểm với ông Trần Quang Toại, nhưng Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Đồng Nai Trần Đăng Ninh lại có một băn khoăn: "Bảo tồn xong rồi làm gì nữa?". Theo ông Ninh, để phát huy hiệu quả việc bảo tồn biệt thự trên thì cần những kế hoạch tiếp theo, chẳng hạn như biến nơi đây thành điểm giáo dục văn hóa, lịch sử hoặc phòng trưng bày.

"Muốn làm điều này thuận lợi, trước hết đây phải thuộc quyền quản lý của nhà nước. Chứ còn bây giờ là tài sản của tư nhân, nếu chủ nhà không đồng ý thì chúng ta không thể bắt làm theo ý của mình. Lúc đó, những công sức, tâm huyết mà ngành văn hóa, các chuyên gia sử học, của người dân bỏ ra để giữ lại biệt thự trên trở nên vô nghĩa, về phía chính quyền thì uổng phí tiền bạc", ông Ninh phân tích.

Cũng theo ông Ninh, đó là chưa kể trước dư luận xã hội, trước nguyện vọng của đa số người dân cũng như chủ căn nhà, chính quyền chấp nhận nắn đường, giữ lại ngôi biệt thự, nhưng ai đứng ra cam đoan ngôi nhà trên sẽ được bảo tồn mãi mãi vì đây chưa phải là di tích. Chủ nhà có thể sau này đổi ý, không muốn giữ lại mà đập bỏ đi thì sao?

Theo ông Ninh, nếu đã có quyết định bảo tồn thì nên làm tới nơi tới chốn. Một phương án khả dĩ là chính quyền mua lại toàn bộ khu đất, giữ lại biệt thự, rồi sau đó cải tạo thành một địa điểm công cộng cho người dân sử dụng.

Sáng 22.9, trả lời PV Thanh Niên, ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa, cho biết sau khi có các ý kiến bày tỏ tiếc nuối khi phá bỏ biệt thự Đốc phủ sứ Võ Hà Thanh, thành phố đã lắng nghe và đang phối hợp các sở ngành liên quan khảo sát, nghiên cứu để đưa ra giải pháp tốt nhất xử lý ngôi biệt thự 100 tuổi ven sông Đồng Nai. "Đây chỉ là biệt thự cổ chứ chưa phải di tích. Dự kiến trong tuần này, chúng tôi sẽ họp bàn với các ngành chức năng về vấn đề trên, phá bỏ hay bảo tồn", ông Thanh nói.

Ông Nguyễn Hồng Ân, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Đồng Nai, cho hay Sở ủng hộ việc giữ lại ngôi biệt thự Đốc phủ Võ Hà Thanh. Ông Ân cho biết thêm Sở VH-TT-DL cùng Sở Xây dựng, UBND TP.Biên Hòa và các đơn vị liên quan đã tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng để đưa ra hướng xử lý phù hợp. Theo bảng chiết tính giá bồi thường để thực hiện dự án đường ven sông Đồng Nai của Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.Biên Hòa, cơ quan chức năng định giá bồi thường ngôi biệt thự 100 tuổi này với số tiền gần 5,4 tỉ đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.