Theo tờ New York Times, trong hôm 3.10 và hôm nay 4.10, những người biểu tình đã cắm trại ở gần Tòa thị chính thành phố Los Angeles, tập hợp trước Ngân hàng Dự trữ Liên bang ở Chicago và tuần hành dọc các trung tâm Boston để phản đối thói hám lợi tập thể, tình trạng thất nghiệp và vai trò của các tổ chức tài chính trong cuộc khủng hoảng kinh tế.
Phong trào Chiếm lĩnh Phố Wall (Occupy Wall Street) khởi phát vào ngày 17.9 với vài chục người biểu tình cố gắng cắm trại trước Sàn Giao dịch chứng khoán New York.
Kể từ đó, hàng trăm người đã cắm trại tại một công viên gần đó và ngày càng trở nên có tổ chức, thu hút trợ giúp pháp lý và y tế đồng thời xuất bản một tờ báo của riêng họ, tờ Tuần san Chiếm lĩnh Phố Wall.
|
Theo AP, khoảng 100 người biểu tình đã bị bắt vào ngày 24.9. Vào thứ bảy tuần trước, 1.10, cảnh sát đã bắt 700 người với các cáo buộc gây rối trật tự công cộng và phong tỏa một tuyến đường khi họ cố gắng tuần hành hướng về cầu Brooklyn. Cảnh sát đã bắt thêm năm người biểu tình vào hôm 3.10, mặc dù hiện chưa rõ họ bị khởi tố về tội gì.
Tiếng tăm dâng cao xung quanh các vụ bắt giữ gần đây ở New York đã tiếp thêm năng lượng cho chiến dịch.
Trong tuần này, các cuộc biểu tình mới và cắm trại đã được lên kế hoạch cho một loạt các thành phố như Memphis, Hilo, Minneapolis, Baltimore và McAllen, theo Occupy Togheter - một đầu mối không chính thức của các cuộc biểu tình vốn lên danh sách các cuộc biểu tình sắp diễn ra, bao gồm cả biểu tình ở châu u và Nhật Bản.
Tại Washington, một phong trào Chiếm lĩnh Thủ đô đã bắt đầu vào thứ bảy với kế hoạch liên minh cùng với một nhóm chống chiến tranh để cắm trại tại công viên ở cạnh Nhà Trắng.
Khoảng 100 người phần lớn là giới trẻ đã cắm trại tại Tòa thị chính Los Angeles hôm thứ hai. Vài chục ngôi lều đã được dựng trên bãi cỏ cùng với các quầy thực thẩm miễn phí và một trung tâm thông tin. Các khẩu hiệu “Thực phẩm chứ không phải bom” và “Thực phẩm chứ không phải ngân hàng” đã được trưng ra tại đó.
|
Tại bàn đóng góp ủng hộ, Elise Whitaker, một đạo diễn và biên kịch tự do, nói người biểu tình đoàn kết trong khát vọng vì “một nền kinh tế bình đẳng hơn”.
Javier Rodriguez, 24 tuổi, một cựu sinh viên trường đại học thành phố Pasadena giương một khẩu hiệu “Đả đảo Ngân hàng Thế giới” bằng tiếng Tây Ban Nha và nói anh là người chống tư bản.
“Hệ thống tiền tệ không có hiệu quả. Các ngân hàng đang ăn cắp tiền của chúng ta. Mọi người đều mang nợ từ hóa đơn y tế, trường học hoặc khoản vay. Mọi người đã chán chuyện này rồi”, Rodriguez nói.
Tại Chicago vào sáng thứ hai, khoảng một chục người đã ngồi hoặc nằm trong các túi ngủ bên ngoài Ngân hàng Dự trữ Liên bang, vây quanh bởi các khẩu hiệu biểu tình và các hòm đựng đầy thực phẩm và chăn mền. Những người biểu tình nói họ gom góp được nhiều thực phẩm đến nỗi họ bắt đầu phân phát đồ dư cho những người vô gia cư.
Mỗi buổi tối, số người biểu tình tăng cao khi người dân từ các trường học hoặc nơi làm việc đổ ra và nhóm này sẽ tuần hành đến Đại lộ Michigan.
“Chúng tôi đều có những ý kiến khác nhau về ý nghĩa của chuyện này, hãy dừng thói hám lợi tập thể”, Paul Bucklaw, một người đàn ông 45 tuổi nói, “Với tôi, đó là vì các ngân hàng”.
Sơn Duân
Bình luận (0)