|
Hôm qua, hàng ngàn người chống đối chính phủ tiếp tục kéo đến trụ sở các bộ Lao động, Năng lượng, Tài nguyên, Phát triển xã hội và An ninh con người cũng như khu hành chính mới ở bên ngoài Bangkok để gây áp lực lên nội các của Thủ tướng Yingluck Shinawatra. Những người biểu tình còn kéo đến cả Cơ quan Điều tra đặc biệt (DSI), cơ quan mà ai cũng phải kiêng dè ở Thái Lan.
Người biểu tình tụ tập bên ngoài các cơ quan này và gây áp lực buộc lãnh đạo các bộ phải ngưng làm việc để tham gia biểu tình với họ, khiến nhiều cơ quan phải cho nhân viên nghỉ việc. Tuy nhiên, nhân viên trong trụ sở DSI vẫn tiếp tục làm việc với sự canh gác nghiêm ngặt của cảnh sát. Ở bên ngoài, một biển người biểu tình kêu gọi đòi Giám đốc DSI từ chức, gây náo loạn cả một khu vực kéo dài hàng cây số khiến không một phương tiện nào lưu thông được.
Tại khu liên hợp hành chính mới cách trụ sở DSI khoảng 1 km, người biểu tình cũng tràn vào bên trong sau khi diễu hành hơn 30 km từ Bangkok dưới sự dẫn dắt của cựu Phó thủ tướng Suthep Thuagsuban, người bị Tòa án Hình sự bác đơn khiếu nại về lệnh bắt của cảnh sát vào hôm qua. Lãnh đạo phong trào Suthep cho biết sẽ chiếm khu liên hợp hành chính làm căn cứ đóng quân thứ 3 cho đến khi lật đổ được chính phủ. Bất chấp đề nghị đàm phán để giải quyết những mâu thuẫn của bà Yingluck, ông Suthep tuyên bố sẽ cương quyết không thương lượng.
Sau 4 ngày biểu tình, những người chống đối chính phủ đã bao vây và xâm nhập được 14 bộ và cơ quan chính phủ. Phong trào biểu tình còn lan sang các tỉnh và lôi kéo được một số giới chức địa phương tham gia. Theo lời kêu gọi của ông Suthep, những người chống đối chính phủ đã kéo đến các cơ quan công quyền ở 24 tỉnh, phần lớn ở miền nam.
Hôm qua, cảnh sát Bangkok cho biết đã có lệnh bắt thêm 6 lãnh đạo khác của phong trào chống chính phủ. Người phát ngôn của Tổng cục Cảnh sát Thái Lan Piya Uthayo phát biểu trên một kênh truyền hình Thái Lan rằng cảnh sát chưa sử dụng vũ lực để trấn áp hay ngăn cản người biểu tình dù họ xâm nhập vào các cơ quan nhà nước và bắt đầu xuất hiện bạo loạn ở một số khu vực. Theo người phát ngôn, cảnh sát đã phát hiện vũ khí tàng trữ trong nhóm những người chống đối. Ông này cũng cho biết cảnh sát chưa tiến hành bắt giữ các lãnh đạo phong trào biểu tình vì sợ tạo cơ hội cho những phần tử “giấu mặt” gây bạo loạn. Nhiều nước như Anh, Mỹ, Canada, Úc, Đức, Thụy Điển và Singapore đã cảnh báo công dân của họ hãy cảnh giác trước tình hình bất ổn tại Thái Lan.
Minh Quang
(Văn phòng Bangkok)
>> Biểu tình Thái Lan có nguy cơ dẫn đến đảo chính quân sự?
>> Thái Lan ra lệnh bắt người cầm đầu biểu tình
>> Người biểu tình Thái Lan chiếm nhiều cơ quan chính phủ
>> Người biểu tình Thái Lan khống chế khu vực chiếm đóng
Bình luận (0)