|
Hôm qua, khoảng 4.500 người biểu tình rầm rộ gần trụ sở Quốc hội Mỹ ở thủ đô Washington D.C để phản đối chương trình do thám PRISM của Cơ quan An ninh quốc gia (NSA), theo AFP. Đoàn biểu tình tuần hành qua nhiều con đường, giơ các biểu ngữ ủng hộ cựu nhân viên CIA Edward Snowden, người cung cấp tài liệu mật về hoạt động của NSA cho giới truyền thông và hiện phải tị nạn chính trị tại Nga. Đáng chú ý là đợt xuống đường lần này quy tụ cử tri, dân biểu và cựu quan chức thuộc nhiều đảng phái chính trị khác nhau, từ Cộng hòa, Dân chủ đến phong trào cực đoan Tea Party.
Những người biểu tình cho rằng chương trình “nghe lén không biên giới” là hành động phi pháp và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền riêng tư. Trùng hợp là hồi tháng 9, NSA từng phải báo cáo với Thượng viện danh sách hơn 10 nhân viên dùng các thiết bị do thám để theo dõi vợ hoặc bạn gái vì nghi họ ngoại tình. AFP dẫn lời đại diện các nhóm tổ chức biểu tình Trevor Timm nói: “Tổng thống Barack Obama đã nhiều lần tuyên bố sẽ siết lại hoạt động tình báo. Chúng tôi không muốn nghe hứa hẹn mà muốn thấy chính phủ hành động”.
Trong nước chưa yên, Washington tiếp tục hứng cơn thịnh nộ từ cộng đồng quốc tế khi các thông tin về hoạt động nghe lén không ngừng được công bố. Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy thông báo sẽ triệu tập Đại sứ Mỹ tại Madrid để chất vấn về chương trình PRISM. Theo tờ El Paris, chính phủ nước này lo ngại ông Rajoy hoặc người tiền nhiệm Jose Luis Zapatero nằm trong danh sách 35 nhà lãnh đạo trên thế giới từng là mục tiêu của NSA như The Guardian đưa tin ngày 25.10.
Ngoài ra, tờ Der Spiegel đưa tin điện thoại di động của Thủ tướng Đức Angela Merkel nằm trong danh sách theo dõi của NSA ngay từ năm 2002 cho đến ít nhất là tháng 6 năm nay. Tài liệu do Snowden cung cấp ghi rõ: “NSA có một kênh tình báo bí mật trong Đại sứ quán Mỹ tại Berlin và nếu bị phát hiện có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ song phương”. Từ kênh này, NSA cũng như CIA có thể thu thập những liên lạc qua internet và điện thoại của khu vực tập trung các cơ quan nhà nước trọng yếu ở Berlin. Tình báo Mỹ bị cho là đã thiết lập những kênh tương tự tại khoảng 80 địa điểm trên thế giới, bao gồm Paris (Pháp), Madrid (Tây Ban Nha), Rome (Ý), Prague (CH Czech), Geneva (Thụy Sĩ)…
Liên quan đến nghi vấn Mỹ nghe lén điện thoại của Thủ tướng Đức, Der Spiegel cho biết ông Obama đã xin lỗi bà Merkel trong cuộc điện đàm mới đây còn theo tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung, Tổng thống Mỹ khẳng định không biết gì về việc này. Ngược lại, tờ Bild am Sonntag dẫn tài liệu của NSA cho biết ông Obama đã được báo cáo việc nghe lén Thủ tướng Đức từ năm 2010. Sở dĩ có thể nhiều thông tin trái chiều vì cho đến nay, Nhà Trắng lẫn văn phòng của bà Merkel đều từ chối cung cấp chi tiết về nội dung điện đàm.
Từ ngày 28-30.10, Nghị viện châu Âu sẽ gửi một phái đoàn gồm 9 nghị sĩ đến Mỹ để thảo luận về chương trình tình báo của NSA. Cùng mục đích trên, theo tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung, Berlin sẽ gửi một đoàn quan chức cấp cao đến Mỹ. Ngoài ra, Đức và Brazil đang chuẩn bị một nghị quyết về bảo vệ quyền tự do cá nhân trước các hoạt động do thám để trình lên LHQ. Bên cạnh đó, tờ Le Monde dẫn một số hồ sơ mật cho thấy Israel có thể cũng dính líu đến hoạt động nghe lén điện thoại quy mô lớn tại Pháp. |
Lan Chi
>> Hàng ngàn người Mỹ biểu tình phản đối NSA
>> Nghi án đánh sập website NSA
>> Báo chí Mỹ ‘kém tự do ngôn luận’ trong vụ do thám của NSA
>> Nga cân nhắc theo dõi công dân kiểu NSA
>> Mỹ bác bỏ cáo cuộc NSA bí mật do thám dân Pháp
>> NSA có chương trình ám sát bí mật?
>> NSA phá được mã an ninh của iPhone
>> NSA 'theo dõi cả LHQ
Bình luận (0)