Biểu tình rung chuyển nước Pháp sau động thái của chính phủ về dự luật lương hưu

Văn Khoa
Văn Khoa
17/03/2023 12:30 GMT+7

Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne ngày 16.3 sử dụng một thủ tục đặc biệt để thúc đẩy dự luật lương hưu gây tranh cãi thông qua hạ viện mà không có cuộc bỏ phiếu.

Động thái trên sẽ đảm bảo cho dự luật tăng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64 tuổi được thông qua sau nhiều tuần phản đối và tranh luận gay gắt, theo Reuters. Chính phủ Pháp lập luận tăng tuổi hưu là cần thiết cho việc đảm bảo hệ thống lương hưu không bị sụp đổ.

Tuy nhiên, động thái mới cũng cho thấy Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và chính phủ của ông đã không giành được đa số trong quốc hội, theo Reuters.

Bạo lực bùng phát trong các cuộc biểu tình chống cải cách lương hưu ở Pháp

Thủ tướng Borne đã được chào đón bởi những tiếng la ó và chế nhạo khi bà đến hạ viện để thông báo rằng bà sẽ viện dẫn điều 49.3 của hiến pháp để bỏ qua cuộc bỏ phiếu cho dự luật cải cách lương hưu.

Phiên họp bị tạm dừng trong hai phút sau khi các nhà lập pháp cánh tả hát quốc ca nhằm ngăn cản Thủ tướng Borne phát biểu. Khi phiên họp tiếp tục, bà Borne đã phát biểu nhưng bài phát biểu của bà phần lớn bị những tiếng la ó và hô hào giống nhau lấn át.

"Chúng ta không thể đánh cược vào tương lai của lương hưu chúng ta, cải cách này là cần thiết", Thủ tướng Borne nhấn mạnh với các nhà lập pháp, để giải thích lý do bà sử dụng điều 49.3.

Biểu tình rung chuyển nước Pháp sau động thái của chính phủ về dự luật lương hưu  - Ảnh 1.

Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne phát biểu trong cuộc tranh luận về dự luật cải cách lương hưu tại hạ viện ở Paris ngày 16.3.2023

Reuters

Đáp lại, lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen nói bà Borne nên từ chức. "Việc sử dụng điều 49.3 vào phút cuối này là một dấu hiệu bất thường của sự yếu đuối. Bà ấy phải ra đi", bà Le Pen nói.

Khi được hỏi về khả năng từ chức trong một cuộc phỏng vấn với Đài truyền hình TF1 vào tối cùng ngày, Thủ tướng Borne cho hay bà vẫn còn rất nhiều việc phải làm trước mắt."Cuộc khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng khí hậu và cuộc chiến Ukraine đang tiếp diễn", bà Borne nói trong cuộc phỏng vấn.

Biểu tình rung chuyển nước Pháp sau động thái của chính phủ về dự luật lương hưu  - Ảnh 2.

Cuộc biểu tình phản đối cải cách lương hưu ở Paris tối 16.3

AFP

Trong lúc đó, một cuộc biểu tình tự phát bất ngờ của khoảng 7.000 người chống lại cuộc cải cách lương hưu tiếp tục kéo dài suốt đêm tại Quảng trường Concorde ở Paris.

"Tôi rất tức giận với những gì đang xảy ra. Với tư cách là một công dân, tôi cảm thấy mình như đang bị lừa. Trong một nền dân chủ, việc đó nên diễn ra thông qua một cuộc bỏ phiếu", giáo viên Laure Cartelier (55 tuổi), người đã đến để bày tỏ sự phẫn nộ của mình, chia sẻ với AFP.

Biểu tình rung chuyển nước Pháp sau động thái của chính phủ về dự luật lương hưu  - Ảnh 3.

Người biểu tình đụng độ với cảnh sát chống bạo động ở Paris tối 16.3

AFP

Cảnh sát đã bắn hơi cay nhằm giải tán đám đông khi một số người biểu tình ném đá. Ở một số thành phố khác của Pháp bao gồm cả Marseille cũng có những cuộc biểu tình tự phát nhằm chống lại việc cải cách lương hưu như trên. Khoảng 120 người đã bị bắt vì tình nghi cố gây thiệt hại, theo cảnh sát Paris.

Các công đoàn Pháp đã kêu gọi thêm một ngày đình công và hành động chống lại cải cách lương hưu vào ngày 23.3.

Việc chính phủ Pháp sử dụng điều 49.3 có khả năng sẽ tiếp tục chọc giận các công đoàn, người biểu tình và các đảng đối lập cánh tả, khi họ cho rằng việc cải cách lương hưu là không công bằng và không cần thiết, theo Reuters.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.