Người dân phản ánh, đường Quách Điêu, xã Vĩnh Lộc A, H.Bình Chánh (đoạn từ nhà số 52 đến 88 Quách Điêu) xuống cấp, hư hỏng trầm trọng, ảnh hưởng lớn đến việc đi lại cũng như kinh doanh buôn bán của người dân. Khu vực này còn gần trường học nên thường xuyên gây ra tình trạng ùn ứ, kẹt xe và tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông vì đường xấu.
Học sinh lội sình đi học
Có mặt tại đường Quách Điêu (xã Vĩnh Lộc A, H.Bình Chánh), chúng tôi ghi nhận đoạn từ nhà số 52 đến 88 hư hỏng khá nghiêm trọng.
Đoạn đường khoảng 200 m ngập đầy nước với những hố sâu rộng chiếm hết mặt đường. Để tránh các hố sâu này, nhiều phương tiện xe máy chạy luôn lên vỉa hè, di chuyển ngược chiều gây ra cảnh lộn xộn.
Mỗi khi có ô tô, xe tải di chuyển qua đoạn đường ngập nước tạo ra các gợn sóng nước kéo theo bùn sình ập vào nhà dân dọc hai bên đường.
Thời điểm chúng tôi có mặt tại đây, chứng kiến anh Nguyễn Vĩnh Giang (44 tuổi, quê Thái Bình) cùng nhiều hộ dân khác cầm chổi và các dụng cụ khác liên tục quét dọn, đẩy bùn sình từ nhà ra ngoài đường.
Khổ sở vì đường Quách Điêu ở vùng ven TP.HCM hư hỏng, ngập như sông
Theo người dân, do khu vực này trũng thấp nên nước từ các nơi khác đổ dồn về đây. Trong khi đó hệ thống cống lại không phát huy tác dụng tiêu thoát nước. Đường ngập liên tục, mật độ xe cộ qua lại nhiều khiến đường nhanh xuống cấp.
"Mới mưa đầu mùa mà nước ngập tràn vô nhà luôn như vầy thì vào mùa mưa không biết ngập cỡ nào nữa", anh Giang nói.
Bà Lê Thị Phi (53 tuổi, quê Quảng Nam), một thợ may có hơn chục năm kinh doanh trên địa bàn xã Vĩnh Lộc A, H.Bình Chánh. Tuy nhiên bà dọn đến khu vực đường Quách Điêu này để kinh doanh được 2 năm. Trong hai năm này, vào mùa mưa bà Phi luôn chứng kiến cảnh đường ngập nước khiến bà ngao ngán.
"Mưa là ngập. Hôm nay cũng đã 3 ngày rồi mà nước vẫn chưa rút. Ở đây có 2, 3 trường học. Nhìn mấy em học sinh cấp 1, cấp 2 lội sình đi học tội lắm. Còn chuyện va quẹt xe, ngã xe do đường xấu ở đây tôi thấy hoài", bà Phi cho biết.
Cũng theo người dân, đường quá xuống cấp, gần đây chính quyền địa phương cho phương tiện chở đá đến đổ xuống các vị trí trũng thấp, dặm vá lại mặt đường. Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tạm thời, đường lại nhanh chóng hư hỏng. Ngoài ra, số đá đổ xuống đây đã che lấp các mặt cống khiến nước không thể thoát, trời mưa đường ngập nặng hơn.
Khóc ròng vì buôn bán ế ẩm
Đường hư hỏng, ngập nước không chỉ gây khó khăn cho việc đi lại của người dân, chuyện kinh doanh, buôn bán của các hộ dân ở đây cũng bị ảnh hưởng, ế ẩm.
Chỉ tay về phía quán lẩu gà cách chỗ bà Phi ngồi may đồ một đoạn, người này nói quán đó đóng cửa hơn tuần nay vì đường ngập, không có khách. Bà Phi vừa dứt lời, chiếc xe tải chạy qua kéo theo sóng nước ập vào hai bên đường, tràn cả vào trong nhà. Nhìn dòng nước kèm bùn sình bà lắc đầu, chặc lưỡi: "Đó, đường sá thế này buôn bán gì được. Bẩn quá khách nào chịu ngồi ăn uống".
Chiếc xe tải vừa chạy qua, chị Nguyễn Thị Diệu Hiền (45 tuổi, quê Quảng Trị) cùng người thân dùng vòi nước phun rửa bùn bám trước lối vào tiệm kinh doanh. Thuê mặt bằng bán quần áo tại đây, chị Hiền than thở chưa bao giờ vắng khách như hiện nay.
"Ở đây người kinh doanh buôn bán toàn thuê mặt bằng. Giá thuê cao mà đâu có bán được thời gian trọn vẹn. Mưa ngập là ế, nghỉ bán. Như tôi đây sáng giờ chưa bán được cái áo nào", chị Hiền bức xúc.
Tương tự, quán ăn của chị Phạm Thị Tuyết (45 tuổi) cũng vắng khách. Bà Tuyết tâm sự thuê mặt bằng bán ở đây được hơn chục năm. Hiện tại giá thuê căn nhà đã hơn 20 triệu đồng tháng nhưng buôn bán chỉ để cầm chừng.
"Tôi bán chủ yếu khách quen mua mang về. Đường sá vầy người ta cũng ngại đến ăn lắm. Không chỉ tôi mà hầu hết các hộ kinh doanh tại đây đều bị ảnh hưởng. Mong chính quyền sớm làm lại con đường cho người dân đi lại bớt khổ, buôn bán thuận tiện hơn", chị Tuyết bộc bạch.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tiến trước đây từng là tổ trưởng tổ 6, ấp 6, xã Vĩnh Lộc A, H.Bình Chánh cho hay, khi đường xuống cấp nặng, người dân phản ánh, ông cũng đã kiến nghị lên trên để sửa chữa. Vừa qua ấp có sự thay đổi, phân chia lại tổ, ấp ông Tiến cũng xin nghỉ việc vì tuổi cao nên cũng chưa rõ kiến nghị của ông và người dân được xem xét, giải quyết đến đâu.
Liên quan đến tình trạng xuống cấp đường Quách Điêu gây khó khăn cho người dân, UBND xã Vĩnh Lộc A, H.Bình Chánh (TP.HCM) đã có thông tin phản hồi đến Báo Thanh Niên.
Theo đó, đầu năm 2024, UBND xã Vĩnh Lộc A đã chủ động đề xuất, xin chủ trương UBND H.Bình Chánh về việc duy tu nạo vét, sửa chữa hệ thống thoát nước, tái lập mặt đường Quách Điêu.
Ngày 14.5, huyện đã thống nhất chủ trương về việc thực hiện các công trình duy tu giao thông, duy tu thoát nước trên địa bàn H.Bình Chánh.
UBND xã Vĩnh Lộc A đã tiến hành khảo sát, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật và trình Phòng Quản lý đô thị H.Bình Chánh thẩm định, phê duyệt dự án và kế hoạch lựa chọn nhà thầu công trình duy tu nạo vét, sửa chữa hệ thống thoát nước, tái lập mặt đường Quách Điêu, xã Vĩnh Lộc A.
Nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho khu vực, UBND xã đã 2 lần vận động xã hội hóa dặm vá mặt đường. Tuy nhiên, vào mùa mưa lượng nước rất lớn không thoát được làm hư hỏng mặt đường với quy mô lớn nên việc dặm vá chưa đảm bảo yêu cầu về mặt kỹ thuật, kết cấu mặt đường.
UBND xã sẽ tiếp tục đôn đốc cơ quan chuyên môn huyện sớm trình duyệt thẩm định, phê duyệt dự án và kế hoạch lựa chọn nhà thầu công trình duy tu nạo vét, sửa chữa hệ thống thoát nước, tái lập mặt đường Quách Điêu, xã Vĩnh Lộc A .
Ngay sau khi có quyết định phê duyệt dự án và kế hoạch lựa chọn nhà thầu công trình duy tu nạo vét, sửa chữa hệ thống thoát nước, tái lập mặt đường Quách Điêu, UBND xã Vĩnh Lộc A sẽ tiến hành lập thủ tục mời thầu gói thầu xây lắp và tiến hành thi công thực hiện cống, tái lập mặt đường.
Bình luận (0)