Sáng 10.9, tình trạng hàng trăm ngư dân túa ra biển lặn tìm, giành giật cổ vật gốm sứ từ bên trong con tàu chìm tại vùng biển gần bờ thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, H.Bình Sơn (Quảng Ngãi) đã chấm dứt. Trước đó, chiều tối 9.9, các cơ quan chức năng ở Quảng Ngãi đã tăng cường lực lượng về vùng biển thôn Châu Thuận Biển để ngăn chặn. Hàng chục cảnh sát cơ động, cảnh sát giao thông đường thủy phối hợp cùng cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng tiến hành giải tỏa hơn 20 tàu cá lớn nhỏ với hàng trăm ngư dân đang tranh đua lặn tìm cổ vật. Lực lượng chức năng dùng phao tiêu khoanh vùng địa điểm con tàu cổ chìm, đồng thời điều động nhiều phương tiện cắm chốt, phong tỏa bảo vệ hiện trường 24/24 giờ.
|
Cũng trong đêm 9.9, túc trực tại thôn Châu Thuận Biển để nắm bắt thông tin, PV Thanh Niên ghi nhận dù hiện trường nơi con tàu cổ chìm được canh giữ gắt gao nhưng trước “mãnh lực” vô giá của cổ vật, nhiều ngư dân đã thức trắng đêm chờ “thời cơ” để lẻn đưa tàu vào chiếm chỗ lặn tìm. Tuy nhiên, kế âm thầm “mai phục” của ngư dân đã thất bại, bởi tiếng còi hụ từ các tàu của lực lượng chức năng chốc chốc lại vang lên.
Mua bán cổ vật trong đêm
Nếu như việc lặn tìm cổ vật trái phép dưới biển bước đầu tạm im ắng thì trên bờ sức “nóng” của cổ vật lại tăng lên từng giờ. Trên địa bàn xã Bình Châu, từ trong bếp của mỗi gia đình đến quán xá, ở đâu cũng nghe người dân bàn tán xôn xao về cổ vật, về ngư dân này, ngư dân kia trúng mánh bạc tỉ chỉ sau 1-2 ngày đêm ra biển lặn tìm.
|
Từ chiều 9.9, giới buôn bán đồ cổ từ khắp nơi bắt đầu đổ về xã Bình Châu săn lùng. Nhưng do biết lực lượng chức năng đang kiểm soát gắt gao nên ngư dân có đồ cổ đều đem cất giấu và việc mua bán đều phải thông qua “cò” là người địa phương. Nếu không có “cò” dẫn đi thì giới buôn đồ cổ ở nơi khác đến muốn “đánh hàng” riêng, dù có trả giá cao ngất ngưởng cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu nói “không”, kể cả những cổ vật bị bể.
|
Một tay “cò” đồ cổ tên H. nói rằng những cuộc mua bán đều diễn ra chóng vánh trong đêm khuya. Theo “cò” H., trong số những cổ vật gốm sứ mà ngư dân Bình Châu lặn tìm được như đĩa, tô, bình, hũ, tiền cổ… thì đĩa gốm men ngọc có giá cao nhất. Một chiếc đĩa gốm men ngọc có hoa văn rồng, hạc... đường kính 35-40 cm được giới buôn đồ cổ mua với giá 41 triệu đồng. “Ở đây có anh em ông Trương D. (nhóm người đầu tiên phát hiện ra nơi còn tàu cổ chìm - PV ) mới bán “sơ sơ” 90 cái dĩa gốm men ngọc đường kính 35-40 cm đã có trong tay 3,4 tỉ đồng”, “cò” H. tiết lộ.
Giá cổ vật là đĩa gốm men ngọc đường kính 35-40 cm chưa dừng lại ở đó mà đang được giới buôn bán đồ cổ nâng lên tới mức 60 triệu đồng/chiếc. Giá cổ vật tăng lên từng giờ, từng ngày nhưng do lo sợ cơ quan chức năng “sờ gáy” nên hầu hết các ngư dân đều ém hàng chờ thời.
Theo thợ lặn tên D., với những món cổ vật gốm sứ gồm 4 đĩa gốm men ngọc, 1 đĩa gốm men xám có đường kính 25 cm, 30 cái tô đường kính khoảng 20 cm, chính giữa có hoa văn, 5 lư hương, ban đầu giới buôn đồ cổ trả giá 135 triệu đồng nhưng chỉ vài giờ sau nâng lên 270 triệu đồng. D. ước đoán: “Giá cổ vật như thế này chỉ trong vòng 2 ngày đêm, mỗi tàu cũng “hốt” vài trăm triệu đồng. Tính ra hơn 20 tàu thì dân Bình Châu trúng 40-50 tỉ đồng”.
Trong khi đó, suốt những ngày qua, người dân Bình Châu đồn đoán rằng, chỉ riêng ngư dân Trương D. (ở xóm Gành Cả), người đầu tiên phát hiện ra nơi con tàu cổ chìm và âm thầm lặn tìm suốt đêm lấy được gần 200 đĩa gốm men ngọc, có trị giá lên đến hàng chục tỉ đồng.
Nhiều thợ lặn chuyên tìm cổ vật ở xã Bình Châu nhận định rằng con tàu chìm ở thôn Châu Thuận Biển là con tàu “vàng”, bởi cổ vật bên trong con tàu có niên đại từ thời Minh (Trung Quốc) vào thế kỷ 15, thuộc loại quý hiếm nên trị giá không dưới 100 tỉ đồng.
Hiển Cừ
>> Đổ xô ra biển lặn tìm cổ vật
>> Hàng trăm ngư dân đổ xô ra biển tìm cổ vật
Bình luận (0)