Ngày 27.7, tại phiên chất vấn kỳ họp HĐND tỉnh
Bình Định, nhiều đại biểu quan tâm đến vấn đề xây dựng kế hoạch, phương án và các tình huống cụ thể để đối phó dịch Covid-19 xảy ra, như: đảm bảo điện, nước, hàng hóa, các mặt hàng thiết yếu…
“Chủng vi rút delta gây ra bệnh Covid-19 hiện nay rất nguy hiểm, tốc độ lây lan rất nhanh, thời gian phát bệnh rất là nhanh và đặc biệt là nó có đặc điểm lây qua không khí. Càng có tiếp xúc thì tốc độ lây nhiễm càng nhanh, thời gian phát bệnh nhanh nên chúng ta khó truy vết, khoanh vùng để dập dịch”, ông Nguyễn Phi Long nói.
Bản tin Covid-19 ngày 27.7: Cả nước thêm 7.913 ca; dịch bệnh đã ngấm rất rộng, rất sâu ở TP.HCM
|
Theo ông Nguyễn Phi Long, hiện tỉnh Bình Định đã bố trí được khoảng 500 giường điều trị bệnh nhân Covid-19. Chiều 27.7, tỉnh này tiếp tục đưa Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Bình Định vào sử dụng để điều trị Covid-19.
Tỉnh Bình Định cũng đã chuẩn bị 10.000 chỗ cách ly tập trung. Trong đó, Bộ chỉ huy
quân sự tỉnh có 400 chỗ và giao các thành phố, thị xã, huyện trong tỉnh chuẩn bị 9.600 chỗ. Cách đây nửa tháng, UBND tỉnh Bình Định giao các địa phương hoàn thiện trước mắt là 30% chỗ cách ly tập trung. Như vậy, hiện tỉnh Bình Định có hơn 3.000 chỗ cách ly.
Năng lực xét nghiệm Covid-19 của tỉnh Bình Định đạt khoảng 4000 mẫu đơn/ngày, xét nghiệm mẫu gộp 5 đạt 20.000 mẫu/ngày.
Ông Nguyễn Phi Long giải đáp các vấn đề do đại biểu HĐND tỉnh Bình Định nêu ra
|
Ông Nguyễn Phi Long cũng cho biết đã chỉ đạo ngành công thương làm việc, lên kế hoạch với các siêu thị, nhà cung cấp hàng hóa, đặc biệt là nhà cung cấp hàng hóa thiết yếu để lên kế hoạch dự trữ hàng hóa, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm… để cung ứng trong trường hợp cần thiết.
UBND tỉnh Bình Định cũng giao ngành nông nghiệp lên kế hoạch tiêu thụ sản phẩm của nhân dân nếu có
dịch Covid-19 xảy ra.
“Chúng tôi đã giao Sở GT-VT làm việc với các ngành để phân luồng xe vận tải thiết yếu phục vụ sản xuất
kinh doanh và phục vụ công tác phòng chống dịch, cung cấp lương thực thực phẩm. Có 2 luồng xanh là luồng xanh quốc gia và luồng xanh của tỉnh. Chúng tôi yêu cầu không được đứt gãy luồng xanh khi xảy ra dịch bệnh để luôn hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh”, ông Nguyễn Phi Long nói.
UBND tỉnh Bình Định cũng giao Sở Công thương và Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp phải tổ chức xét nghiệm test nhanh luân phiên cho 20% trong tổng số công nhân tham gia sản xuất của đơn vị và chuẩn bị phương án sản xuất trong điều kiện dịch bệnh tăng cao. Cụ thể, phải chuẩn bị 2 phương án: Phương án sản xuất 3 tại chỗ (sản xuất, ăn uống, nghỉ ngơi tại chỗ) và Phương án 1 con đường 2 địa điểm (doanh nghiệp bố trí xe đưa đón công nhân từ nơi sản xuất về nhà và ngược lại).
“Tôi cũng làm việc với 1 công ty chuyên sản xuất ô xy để dự trữ 1 lượng ô xy cho tỉnh, phòng khi dịch Covid-19 bùng phát”, ông Nguyễn Phi Long nói.
Thêm 190 người Bình Định ở TP.HCM được đón về quê bằng máy bay
Lúc 14 giờ 30 phút ngày 27.7, 190 người dân Bình Định từ TP.HCM đã về tới sân bay Phù Cát (Bình Định) an toàn. Ngay sau khi xuống sân bay, các công dân này được UBND tỉnh Bình Định bố trí xe đưa đến các khu cách ly tập trung để thực hiện cách ly 7 ngày.
Những người dân Bình Định ở TP.HCM được đón về quê bằng máy bay vào ngày 27.7
|
Đây là chuyến bay miễn phí thứ ba do UBND tỉnh Bình Định phối hợp Hội đồng hương Bình Định tại TP.HCM tổ chức để đưa người dân Bình Định sinh sống, làm việc, học tập tại TP.HCM đang gặp khó khăn do dịch Covid-19 về quê. Hai chuyến bay trước đã có 383 người Bình Định ở TP.HCM được đưa về quê.
Hiện Hội đồng hương Bình Định tại TP.HCM đang tiếp tục rà soát danh sách để đưa thêm 190 người Bình Định ở TP.HCM về quê trên chuyến bay thứ tư vào ngày 30.7.
|
Bình luận (0)