Chiều 8.5, lãnh đạo Sở VH-TT tỉnh Bình Định cho biết, theo đề nghị của đơn vị, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao cho Sở VH-TT chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Tài chính, các ngành liên quan thống nhất đề xuất quy định nội dung và mức chi hỗ trợ kinh phí các lò võ, võ đường, câu lạc bộ võ cổ truyền trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Năm 2016, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành quyết định số 3818/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề án bảo tồn và phát huy võ cổ truyền Bình Định giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030. Đến năm 2022, UBND tỉnh ban hành tiếp quyết định số 556/QĐ-UBND về việc ban hành kế hoạch bảo tồn và phát huy võ cổ truyền Bình Định năm 2025.
Hiện nay, công tác bảo tồn và phát huy võ cổ truyền là di sản văn hóa phi vật thể còn hạn chế. Phần lớn các võ đường hoạt động mang tính tự phát, thiếu ổn định. Đa số các võ sư vùng nông thôn điều kiện kinh tế gia đình còn khó khăn, việc tổ chức dạy võ để thu lệ phí là điều rất khó…
Trước tình hình này, Sở VH-TT tỉnh Bình Định đã chỉ đạo Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định triển khai thực hiện việc bảo tồn và phát huy võ cổ truyền Bình Định theo kế hoạch hằng năm; trong đó, đã có hợp đồng bồi dưỡng chế độ 1.0 lương cơ bản cho 6 lò võ tiêu biểu của tỉnh là CLB Chùa Long Phước, Phi Long Vịnh (Tuy Phước), Lê Xuân Cảnh, Lý Xuân Hỷ (TX.An Nhơn), Phan Thọ và Hồ Sừng (Tây Sơn). Đây cũng là những lò võ đang phục vụ cho việc phát triển du lịch.
Võ cổ truyền Bình Định ra đời, tồn tại và phát triển song hành cùng lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc. Trải qua nhiều thế hệ lưu giữ, bồi đắp, nâng tầm, võ cổ truyền Bình Định ngày một phát triển. Năm 2012, Bộ VH-TT-DL đã ghi danh võ cổ truyền Bình Định là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm 2013, UBND tỉnh Bình Định quyết định thành lập Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định nhằm tạo mọi điều kiện pháp lý để giao lưu, trao đổi các dòng võ cổ truyền trong nước và quốc tế.
Bình luận (0)