Bình Dương với quá trình chuyển đổi số…
Ông Võ Văn Minh cho biết, sau hơn 27 năm chuyển mình từ một tỉnh nông nghiệp, Bình Dương đã trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ hàng đầu Việt Nam, nằm trong top 3 địa phương thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
"Kinh tế của Bình Dương tăng trưởng ổn định, hạ tầng công nghiệp và giao thông ngày càng hiện đại và đồng bộ, đóng vai trò quan trọng kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước", ông Minh phát biểu.
Ông Minh cho rằng thời gian qua, Bình Dương đã có những bước tiến đáng khích lệ trong quá trình chuyển đổi số nhờ vào sự quyết tâm mạnh mẽ của chính quyền và sự đồng hành của các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, quá trình này cũng gặp một số thách thức, như chưa số hóa đầy đủ thông tin và quy trình quản lý còn rời rạc. Những hạn chế này đòi hỏi Bình Dương phải có các giải pháp căn cơ để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp, mũi nhọn của tỉnh.
Để đạt được mục tiêu này, tỉnh đã và đang triển khai một số giải pháp cụ thể. Hiện nay, Bình Dương đã có 6 KCN đang áp dụng nền tảng quản trị và điều hành thông minh của Becamex.
Bình Dương cũng đang thực hiện chuyển đổi số tại 3 nhà máy sản xuất (Orion, Takako, Vinamilk), với các công nghệ tự động hóa, trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và mạng 5G, giúp doanh nghiệp thu thập dữ liệu theo thời gian thực, tự động hóa quy trình, tối ưu hóa nguồn lực và giảm tác động đến môi trường.
Bên cạnh đó, chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics cũng được tỉnh chú trọng với các giải pháp tự động hóa kho bãi và dịch vụ giao nhận, nhằm giảm chi phí logistics và nâng cao chất lượng dịch vụ.
"Thương mại điện tử và thương mại xuyên biên giới cũng là hướng đi quan trọng trong kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh. Chúng tôi khuyến khích các doanh nghiệp phát triển nền tảng số và các hoạt động thương mại điện tử, mở rộng thị trường và kết nối với các nền kinh tế toàn cầu", ông Võ Văn Minh cho hay.
Và phát triển hạ tầng số
Theo ông Võ Văn Minh, phát triển công nghiệp công nghệ thông tin cũng là ưu tiên chiến lược của Bình Dương. Hiện tại, Bình Dương đang hình thành KCN công nghệ thông tin tập trung và trung tâm dữ liệu, nhằm thu hút đầu tư vào các sản phẩm điện tử, chip bán dẫn, IoT, trí tuệ nhân tạo và an ninh mạng.
Ông Minh cho rằng, dù đã đạt nhiều kết quả, quá trình chuyển đổi số của Bình Dương vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức. Đầu tiên là thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, yếu tố quan trọng để đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghệ cao.
Hạ tầng kỹ thuật của Bình Dương cũng cần liên tục được đầu tư và nâng cấp, đáp ứng các yêu cầu về bảo mật và an toàn dữ liệu trong môi trường số. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa áp dụng công nghệ mới cũng đòi hỏi các chính sách hỗ trợ toàn diện, để đảm bảo quá trình chuyển đổi số không chỉ diễn ra ở quy mô lớn mà còn ở mọi cấp độ doanh nghiệp.
Ông Minh cho biết định hướng mới của Bình Dương đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 là phát triển hệ sinh thái đô thị - công nghiệp thông minh, trong đó kinh tế số, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đóng vai trò nòng cốt.
"Chúng tôi mong muốn xây dựng Bình Dương trở thành một đô thị thông minh, trung tâm công nghiệp hiện đại, nơi khoa học công nghệ làm động lực phát triển, thu hút đầu tư công nghệ cao và xây dựng môi trường sống chất lượng cho người dân. Các dự án quy hoạch của tỉnh sẽ tập trung vào phát triển hạ tầng số, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, và khuyến khích các sáng kiến đổi mới từ cộng đồng", ông Minh nhấn mạnh.
Bình luận (0)