Phối hợp đi lại liên tỉnh: Bình Dương có thể ký phương án với từng tỉnh, thành giáp ranh

09/10/2021 07:11 GMT+7

Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Sở GTVT Bình Dương cho biết Bình Dương có thể ký phương án đi lại với từng tỉnh, thành giáp ranh.

Chiều 8.10, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Sở GTVT Bình Dương, cho rằng sau khi địa phương này có các văn bản góp ý, thống nhất với TP.HCM về phương án đi lại giữa 5 tỉnh thành, nhưng sau đó có tỉnh thành chưa thống nhất với phương án chung này nên Bình Dương có thể ký phương án đi lại với từng tỉnh, thành giáp ranh.

Theo ông Minh, hiện Bình Dương và TP.HCM đã thống nhất với nhau để đi đến phương án cho chuyên gia, công nhân đi lại giữa 2 địa phương này bằng ô tô (gồm cả ô tô cá nhân) để làm việc trong các doanh nghiệp “3 tại chỗ”, “một cung đường hai điểm đến” và doanh nghiệp “3 xanh”. Những trường hợp này nếu đã tiêm 1 mũi vắc xin đủ 14 ngày thì cần có giấy xét nghiệm âm tính 7 ngày/2 lần; tiêm đủ 2 mũi là 7 ngày/lần.

Bản tin Covid-19 ngày 9.10: TP.HCM đã qua đỉnh dịch | Chuẩn bị tiêm vắc xin cho trẻ em

Riêng đối với xe máy, người đi bộ chỉ được đi lại giữa 3 địa phương, gồm: TP.Thủ Đức (TP.HCM) và TP.Thuận An, TP.Dĩ An (Bình Dương), cơ bản vẫn theo phương án chung, ưu tiên chuyên gia, công nhân đi làm. Với các tỉnh, thành giáp ranh như Đồng Nai, Tây Ninh..., nếu chấp nhận các phương án đi lại như Bình Dương và TP.HCM đã thống nhất thì Bình Dương sẽ ký phương án riêng với từng tỉnh.

Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, từ 0 giờ ngày 23.9, tỉnh này đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 nhưng đến nay các địa phương vẫn lúng túng trong việc hướng dẫn, kiểm soát người dân di chuyển trong và ngoài tỉnh. Để giải quyết khó khăn trên, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã họp với UBND các huyện, thị xã, thành phố để hướng dẫn thống nhất việc đi lại của người dân.

Theo đó, người dân có nhu cầu di chuyển khỏi địa bàn huyện, thị xã, thành phố thì đăng ký với UBND xã, phường, thị trấn nơi đi. Khi đến nơi phải có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi đến. Sau khi về địa phương phải nộp lại giấy và khai báo tại trạm y tế gần nhất.

Mặc dù văn bản chỉ đạo là vậy nhưng nhiều người dân ở các địa phương đến UBND xã, phường, thị trấn xin giấy đi đường rất khó. Nhiều địa phương còn không cấp giấy cho dân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.