Hàng ngàn doanh nghiệp hoạt động trở lại
Đánh giá hiệu quả sau 1 tuần thực hiện bình thường mới, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, cho biết đa số người dân đã nhanh chóng thích ứng an toàn, linh hoạt trong điều kiện bình thường mới. TP.HCM cũng ghi nhận ngày càng nhiều doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ kinh doanh hoạt động trở lại, đáp ứng nhu cầu đông đảo người dân, tạo ra nhiều công ăn việc làm.
Ông Hải dẫn chứng trong 3 ngày đầu tiên thực hiện Chỉ thị 18, TP.HCM có 5.279 DN hoạt động trở lại và con số này tăng lên hơn 9.200 DN vào ngày 6.10. Đối với hoạt động của các khu công nghiệp và khu chế xuất, trước ngày 1.10 có khoảng 70.000/288.000 lao động (LĐ) làm việc (chiếm 24,3%), có 746/1.412 DN hoạt động (52%) thì đến ngày 6.10 đã có 164.000 LĐ làm việc (đạt 56,8%) và 972 DN hoạt động (tương đương gần 69%). Riêng Khu Công nghệ cao TP.HCM, hiện đã có 27.300 công nhân làm việc trở lại (chiếm 54,6%) và 88 DN hoạt động (tương đương 74%).
Dù số lượng DN hoạt động trở lại gia tăng nhưng số LĐ làm việc vẫn ở mức trung bình, gây áp lực lên bài toán LĐ đối với TP.HCM, nhất là khi số lượng người dân về quê vẫn còn gia tăng trong thời gian tới. Cũng theo ông Hải, tính đến ngày 6.10 đã có 19 quận, huyện và TP.Thủ Đức được đề nghị công nhận kiểm soát dịch; riêng Q.Bình Tân và H.Bình Chánh chưa được đề nghị công nhận kiểm soát dịch.
Covid-19 sáng 8.10: 826.837 ca nhiễm, 758.488 ca khỏi | Bao giờ học sinh được đến trường? |
TP.HCM không thống nhất được phương án đi lại chung với 4 tỉnh
Liên quan đến phương án đi lại giữa TP.HCM và 4 tỉnh giáp ranh: Đồng Nai, Bình Dương, Long An và Tây Ninh, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM Bùi Hòa An cho biết việc này phụ thuộc vào tình hình phòng chống dịch của các tỉnh. Ngày 1.10, UBND TP.HCM đã gửi văn bản đến 4 tỉnh đề nghị thống nhất phương án tạo điều kiện cho người LĐ di chuyển bằng xe đưa rước và xe cá nhân. Đến nay, TP.HCM đã nhận được góp ý của các tỉnh và hoàn chỉnh phương án. Tuy nhiên, ông An cho hay yêu cầu của các tỉnh khác nhau về cách ly y tế, tiêm vắc xin, xét nghiệm nên không thể thống nhất phương án đi lại chung giữa TP.HCM và 4 tỉnh nêu trên. Do đó, Sở GTVT đang hoàn thiện theo hướng xây dựng phương án đi lại riêng giữa TP.HCM với từng tỉnh, sớm ban hành để người LĐ và các đối tượng khác đi lại thuận tiện.
Kiểm tra giấy tờ người đi đường ở chốt kiểm soát trên Quốc lộ 13 nối TP.HCM với Bình Dương |
VŨ PHƯỢNG |
Trả lời câu hỏi người LĐ chưa tiêm vắc xin có về TP.HCM được không, ông An nói Công văn 3252 ngày 1.10 của UBND TP.HCM có nêu phương án vận chuyển người LĐ từ các tỉnh đến TP làm việc; để đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch thì người dân cần tiêm vắc xin 1 mũi đủ 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh. Do vậy, người LĐ muốn quay lại phải đảm bảo điều kiện trên.
Gần 1 tuần 'bình thường mới', đa số người dân TP.HCM thích ứng an toàn |
Dịch Covid-19 TẠI TP.HCM diễn tiến khả quan
Về lĩnh vực y tế, từ ngày 1 - 7.10, số ca dương tính tại TP.HCM đã giảm sâu xuống dưới 3.000 ca, có ngày chỉ còn 1.491 ca (ngày 5.10), 1.984 ca (ngày 6.10) và 1.205 ca (ngày 7.10). Hiện số F0 đang cách ly điều trị tại nhà là 22.257; cách ly tại các cơ sở tập trung là 10.584 ca, giảm 50% so với trước đây.
Q.7 đề xuất thí điểm kinh doanh ăn uống tại chỗ dưới 20 người
Ngày 7.10, UBND Q.7 cho biết đã có văn bản đề xuất UBND TP.HCM cho phép thí điểm tổ chức hoạt động dịch vụ ăn uống tại chỗ từ ngày 10.10 với nhiều điều kiện kèm theo.
Cụ thể, cơ sở kinh doanh được hoạt động tối đa 30% công suất nhưng không quá 20 người trong cùng một thời điểm, đáp ứng các tiêu chí an toàn phòng, chống dịch Covid-19 đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống. Tất cả nhân viên, người lao động và khách hàng đều phải được tiêm đủ liều vắc xin ngừa Covid-19 ít nhất 14 ngày, hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 dưới 6 tháng. Mặt khác, diện tích kinh doanh tối thiểu phải từ 100 m2 trở lên, ưu tiên khu vực ngoài trời, thoáng khí, không sử dụng máy lạnh. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, UBND Q.7 sẽ tổ chức thẩm định điều kiện hoạt động, cấp mã QR; gắn camera giám sát và kết nối về Trung tâm kiểm soát phòng chống dịch Covid- 19 và phục hồi kinh tế của quận để kiểm soát nhân viên và khách hàng ra vào hằng ngày.
Hiện đề xuất này vẫn đang được xem xét.
Sỹ Đông
Hiện nay, tổng số ca đang điều trị tại bệnh viện tầng 2, 3 là 20.905 người, giảm gần 50% thời điểm đầu tháng 9. Trong 7 ngày qua, số ca xuất viện nhiều hơn số ca nhập viện với gần 3.000 ca/ngày, có ngày xuất viện đến hơn 4.000 ca (ngày 3.10).
Về số ca tử vong, từ ngày 1 - 7.10 đã giảm sâu so với giai đoạn trước đó, có ngày giảm xuống 79 ca (3.10), 88 ca (6.10) và 91 ca (ngày 7.10). Sở Y tế TP.HCM nhận định 14 ngày qua, số ca mắc và tử vong đều giảm. Đặc biệt 7 ngày qua, tổng số ca bệnh nặng (người cần thở ô xy và thở máy) ở các tầng điều trị từ ngày 1.10 vẫn đang giảm, tuy nhiên số ca bệnh nặng ở tầng 3 vẫn còn cao nên tỷ lệ tử vong ở tầng này vẫn sẽ còn dao động ở mức cao.
Hiện TP tiêm được hơn 11,9 triệu liều cho người trên 18 tuổi, trong đó mũi 1 hơn 7 triệu liều (97,3%) và hơn 4,9 triệu liều mũi 2 (68,7%). Quận 5 và 11 tiêm 2 mũi đạt 100% cho người trên 18 tuổi. Các quận, huyện còn lại hầu hết cũng đạt 100% mũi 1, mũi 2 đạt thấp nhất cũng gần 60%.
Theo nhận định của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), chiến dịch xét nghiệm từ ngày 21.9 đến nay được đánh giá là thành công nhất, xét nghiệm trên diện rộng nhất với thời gian ngắn nhất, tỷ lệ dương tính với Covid-19 liên tục giảm ở tất cả các vùng nguy cơ.
Bình luận (0)