Ủy viên Bộ Chính trị, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư, giám đốc Học viện Quốc gia Hồ Chí Minh (chủ trì hội thảo) nhận định Bình Dương tuy không phải là một địa phương có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, cũng không phải là địa phương có những cơ sở hạ tầng chiến lược như cảng biển, sân bay, nhưng Bình Dương lại được coi là nơi "đất lành chim đậu", là điểm đến của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, nơi hội tụ của những nhà đầu tư chiến lược.
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng nhận xét, Bình Dương là mảnh đất có sức hấp dẫn, thu hút mạnh mẽ đối với nguồn nhân lực có kỹ năng, có tinh thần đổi mới sáng tạo với khát vọng khởi nghiệp, làm giàu và cả những người lao động cần cù, chịu khó với mong muốn nâng cao thu nhập, thoát khỏi đói nghèo…
Tăng trưởng vượt bậc
Phát biểu tham luận tại hội thảo, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Ủy viên Hội đồng Lý luận T.Ư nhận thấy rằng qua 25 năm hình thành và phát triển, quy mô kinh tế của tỉnh Bình Dương tính đến cuối năm 2021 đạt 408.861 tỉ đồng, gấp 104,3 lần so với năm 1997 (sau khi tái lập tỉnh Bình Dương, Bình Phước), đứng thứ 3 cả nước sau TP.HCM và Hà Nội. Năm 1997, GRDP của Bình Dương chiếm tỷ trọng 1,25% GDP cả nước, đến năm 2015 chiếm tỷ trọng 4,6% GDP cả nước và đến năm 2020 con số này là 4,9%.
GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn khẳng định mức tăng GRDP của Bình Dương vượt tất cả các chỉ báo kinh tế bởi sự gia tăng được tính bằng lần, không phải tính bằng phần trăm. Chỉ có giai đoạn thần lỳ Đông Á, một số nước mới công nghiệp hóa (NIEs) mới có mức tăng trưởng như Bình Dương. Có thể nói, Bình Dương là một điểm sáng về tăng trưởng kinh tế.
Đặc biệt, GS.TS Nguyễn Quang Thuấn cho rằng việc phát triển KCN trên địa bàn tỉnh Bình Dương thật sự là một điểm sáng của mô hình phát triển cấp tỉnh. Sau 25 năm, Bình Dương hiện là địa phương có tỷ lệ lấp đầy các KCN cao nhất cả nước; 29 KCN của Bình Dương đang hoạt động có tỷ lệ lấp đầy đạt trên 95%. Bình Dương cũng là địa phương có tổng diện tích đất KCN lớn nhất cả nước, đạt 12.721 ha, chiếm 25% tổng diện tích KCN của miền Nam, tương đương 13% tổng diện tích KCN của cả nước.
Vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước
Theo GS.TS Nguyễn Quang Thuần, vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tác động lan tỏa, đóng góp phát triển kinh tế xã hội của Bình Dương trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Điển hình là Tổng công ty Becamex IDC đang đóng góp vai trò rất quan trọng trong việc thể hiện tính chủ đạo của kinh tế nhà nước.
Becamex liên doanh với đối tác nước ngoài hình thành Liên doanh khu công nghiệp VSIP trên địa bàn tỉnh Bình Dương và đã mở rộng sản xuất kinh doanh ra 13 tỉnh thành trên cả nước. Đồng thời Becamex liên doanh với Tập đoàn Tokyu của Nhật Bản về phát triển đô thị chất lượng cao, đô thị đáng sống; liên doanh với NTT của Nhật Bản về phát triển viễn thông, công nghệ thông tin; liên doanh với quỹ đầu tư Warburg của Hoa Kỳ để xây dựng hạ tầng logistics và logistics cho thương mại điện tử.
Theo báo cáo tham luận của Tổng công ty Becamex ID, trong giai đoạn 1996, việc lựa chọn mô hình phát triển phù hợp đóng vai trò rất quan trọng đối với Bình Dương.
Với cầu nối là chính phủ hai nước Việt Nam và Singapore, liên doanh khu công nghiệp Việt Nam Singapore được hình thành bởi hai cổ đông chính là Becamex và Sembcorp Singapore.
Từ sự hợp tác này, Becamex đã học hỏi về cách thức phát triển công nghiệp của Singapore, không chỉ trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, cách thức xúc tiến thương mại, mở rộng hệ thống tiếp thị và đặc biệt là công tác cải cách thủ tục hành chính của Singapore, từ đó xây dựng Ban quản lý KCN đầu tiên trên cả nước.
Báo cáo tham luận của Becamex IDC cũng khẳng định việc học hỏi từ Singapore, Becamex đã nhanh chóng xây dựng hệ thống tiếp thị toàn cầu của, trở thành cầu nối và tham gia tích cực vào "chiến lược ngoại giao liên thành phố" của tỉnh Bình Dương; hệ thống tiếp thị và thu hút đầu tư nước ngoài của Becamex IDC đã hiện diện từ Châu Âu, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc,... trở thành cầu nối để Bình Dương kết nghĩa với nhiều thành phố trên thế giới như Eindhoven, Hà Lan; Yamaguchi, Nhật Bản; Deajeon, Hàn Quốc...
Chủ trương chiến lược có tính xuyên suốt
Phát biểu tham luận tại hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Bình Dương cho biết quá trình chuyển biến nhận thức, quan điểm, chủ trương của Bình Dương về mô hình phát triển của tỉnh thể hiện qua các kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh cho thấy cho dù có lúc Bình Dương năng động sáng tạo trên một số mặt, có lúc đi đầu, đi trước trong thực hiện đường lối chung của cả nước nhưng cơ bản Bình Dương vẫn đã cùng cả nước và vì cả nước thực hiện thắng lợi đường lối chiến lược của Đảng về công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước.
Ông Nguyễn Hoàng Thao cho biết từ Đại hội 9 của tỉnh (năm 2010), Bình Dương đã có bước nhảy vọt về nhận thức và quan điểm, chủ trương trong định hướng phát triển đô thị: Bình Dương đã xác lập mô hình phát triển thành phố thông minh với những bước đi khá vững chắc.
Bình Dương đã xây dựng Đề án thành phố thông minh Bình Dương (năm 2016), lập được khung nền mô hình 3 nhà (nhà nước-nhà doanh nghiệp-nhà trường); quy hoạch được Vùng thông minh Bình Dương, đưa vào hoạt động hệ sinh thái khởi nghiệp Bình Dương.
Ông Nguyễn Hoàng Thao khẳng định việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước, hình thành và phát triển các khu công nghiệp là chủ trương chiến lược có tính xuyên suốt và cũng là đặc điểm cơ bản của mô hình phát triển kinh tế Bình Dương.
Bình luận (0)