Bình Dương: Phát triển văn hóa lấy con người làm trung tâm

Đỗ Trường
Đỗ Trường
19/08/2024 16:40 GMT+7

Theo quy hoạch, đến năm 2030 Bình Dương trở thành thành phố trực thuộc T.Ư với quan điểm phát triển văn hóa, con người Bình Dương, lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, nguồn lực, mục tiêu dài hạn để phát triển bền vững…

Ảnh 1: Khu thể thao H.Bàu Bàng hiện nay đã được đầu tư xây dựng - Ảnh: Đ.T

Khu thể thao H.Bàu Bàng hiện nay đã được đầu tư xây dựng

Ảnh: Đ.T

Phát triển khu phức hợp 1.500ha

Nhằm tạo môi trường sống tốt để thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nguồn nhân lực chất lượng cao đến sống và làm việc tại Bình Dương, định hướng đến năm 2030, mạng lưới cơ sở văn hóa, thể thao của Bình Dương sẽ được đầu tư xây dựng đồng bộ về cơ sở vật chất, mang tầm vóc của đô thị loại I, hiện đại, văn minh.

Đến năm 2030, Bình Dương trở thành thành phố sáng tạo trong mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO và là một trong những Trung tâm thể thao mạnh của cả nước.

Theo đó, Bình Dương phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa - thể thao gắn với các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị và mô hình văn hóa - thể thao văn minh, sáng tạo. Thu hút phát triển các hoạt động giá trị gia tăng kết hợp tổ chức sự kiện, phát triển loại hình thể thao giải trí hiện đại.

Ảnh 2: Trung tâm văn hóa thể thao công nhân lao động TP.Bến Cát - Ảnh: Đ.T

Trung tâm văn hóa thể thao công nhân lao động TP.Bến Cát

Ảnh: Đ.T

Kết hợp chặt chẽ giữa bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc; vận dụng cơ chế thị trường để chuyển hóa các tài nguyên văn hóa thành nguồn lực văn hóa, khai thác hiệu quả các giá trị văn hóa địa phương để hình thành các sản phẩm văn hóa đa dạng, độc đáo phục vụ du lịch - dịch vụ.

Đặc biệt, Bình Dương phát triển khu phức hợp văn hóa - thể thao - y tế - GD-ĐT tại H.Bàu Bàng quy mô 1.500ha để tổ chức các sự kiện văn hóa thể thao quy mô lớn và có tầm quốc tế.

Bình Dương cũng tập trung đầu tư các công trình trọng điểm của tỉnh như: Quảng trường trung tâm gắn với tượng đài Hồ Chí Minh; khu lưu niệm Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc; khu tưởng niệm Vua Hùng, thư viện tỉnh, bảo tàng chuyên đề, cung thiếu nhi tỉnh…

Sông Sài Gòn đoạn qua Bình Dương được quy hoạch phát triển du lịch - Ảnh: Đ.T

Sông Sài Gòn đoạn qua Bình Dương được quy hoạch phát triển du lịch

Ảnh: Đ.T

Du lịch mang bản sắc Bình Dương

Bình Dương hiện có 13 di tích cấp quốc gia, 53 di tích cấp tỉnh đã được Nhà nước xếp hạng và 2 di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO vinh danh (Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt ở Bình Dương).

Bình Dương cũng là nơi có các làng nghề gốm sứ, sơn mài truyền thống lâu đời với mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, đưa Bình Dương trở thành điểm đến du lịch sáng tạo, sự kiện, thông minh, hiện đại của Vùng Đông Nam bộ gắn với thương hiệu "Trải nghiệm và cảm nhận", do đó Bình Dương khuyến khích đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn, mang bản sắc Bình Dương.

Khu tưởng niệm Vĩnh Hòa (H.Phú Giáo) - Ảnh: Đ.T

Khu tưởng niệm Vĩnh Hòa (H.Phú Giáo)

Ảnh: Đ.T

Ngoài ra, Bình Dương cũng quan tâm, khuyến khích phát triển các loại hình du lịch chủ đạo như: du lịch hội nghị, hội thảo (MICE); du lịch sáng tạo; du lịch thể thao gắn với xây dựng Bình Dương trở thành trung tâm tổ chức sự kiện thể thao mang tầm quốc gia, quốc tế; du lịch nghỉ dưỡng; du lịch văn hóa nhằm phát huy hệ thống di tích văn hóa, lịch sử, các làng nghề truyền thống và những giá trị văn hóa bản địa...

Tăng cường liên kết, kết nối các sản phẩm du lịch, khu, điểm du lịch của Vùng Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, Tây nguyên; khai thác hiệu quả liên kết với TP.HCM.

Không gian ưu tiên phát triển du lịch, gồm không gian đô thị (các thành phố: Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên, Bến Cát và H.Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên); không gian sông Sài Gòn (khu vực ven sông Sài Gòn tại H.Dầu Tiếng, TP.Bến Cát); không gian sông Đồng Nai (khu vực ven sông Đồng Nai tại H.Bắc Tân Uyên, H.Phú Giáo)…





Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.