Bình Dương: Quy hoạch H.Bàu Bàng thành trung tâm đổi mới sáng tạo, công nghiệp

Đỗ Trường
Đỗ Trường
31/10/2024 14:53 GMT+7

Theo đồ án quy hoạch vừa được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt, đến 2040 H.Bàu Bàng phát triển theo hướng công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp và trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, công nghiệp ở phía bắc của tỉnh.

Bàu Bàng là huyện cửa ngõ phía bắc của tỉnh Bình Dương, kết nối với tỉnh Bình Phước và khu vực Tây nguyên thông qua tuyến Quốc lộ 13, có sự tác động tương hỗ và gắn kết với không gian kinh tế của H.Dầu Tiếng, H.Phú Giáo và TP.Bến Cát.

Đường Mỹ Phước Tân Vạn đi qua H.Bàu Bàng hiện nay - Ảnh: ĐỖ TRƯỜNG

Đường Mỹ Phước Tân Vạn đi qua H.Bàu Bàng hiện nay

Ảnh: ĐỖ TRƯỜNG

Đến năm 2030 thành lập TX.Bàu Bàng

Theo định hướng phát triển không gian vùng, H.Bàu Bàng được xác định là "mô hình chuỗi đô thị" phát triển theo hướng bắc nam gắn với TX.Chơn Thành (Bình Phước) và được phân thành 3 vùng phát triển kinh tế.

Cụ thể Vùng 1 là vùng trung tâm, động lực phát triển bao gồm: TT.Lai Uyên, đô thị Lai Hưng, đô thị Long Nguyên, xã Cây Trường II và xã Trừ Văn Thố. Trung tâm tiểu vùng là TT.Lai Uyên.

Vùng II là vùng đô thị phía đông, bao gồm một phần TT.Lai Uyên, xã Tân Hưng và xã Hưng Hòa. Trung tâm tiểu vùng gồm một phần TT.Lai Uyên trên trục đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng.

Không gian đô thị H.Bàu Bàng - Ảnh: ĐỖ TRƯỜNG

Không gian đô thị H.Bàu Bàng

Ảnh: ĐỖ TRƯỜNG

Vùng III là vùng nông nghiệp phía tây bao gồm toàn bộ xã Long Nguyên là trung tiểu vùng được định hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm và thương mại dịch vụ gắn với nông nghiệp.

Theo đó, giai đoạn 2026-2030, H.Bàu Bàng sẽ nâng cấp và mở rộng thị trấn Lai Uyên đạt tiêu chí đô thị loại IV; đô thị Lai Hưng đạt đô thị loại V (hiện hữu);

Đáng chú ý, H.Bàu Bàng sẽ thành lập đô thị mới Long Nguyên (xã Long Nguyên) và Trừ Văn Thố (xã Trừ Văn Thố) theo mô hình đạt tiêu chí đô thị; toàn huyện Bàu Bàng đạt tiêu chí đô thị loại IV để thành lập TX.Bàu Bàng đạt đô thị loại IV.

Giai đoạn 2030 - 2040 sẽ nâng cao các tiêu chí của đô thị Bàu Bàng đạt đô thị loại III, trở thành Trung tâm kinh tế - công nghiệp - dịch vụ của tỉnh Bình Dương.

Đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng - Ảnh: ĐỖ TRƯỜNG

Đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng

Ảnh: ĐỖ TRƯỜNG

Nhiều tuyến đường sắt đi qua

Theo định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch hệ thống giao thông đến năm 2040, Bàu Bàng có tuyến đường cao tốc bắc - nam phía tây (tổng chiều dài trên 1.200km) đi qua với quy mô 6 làn xe; đường cao tốc TP. HCM - Chơn Thành - Hoa Lư, dài 60km, quy mô 6 làn xe; Quốc lộ 13 dài 64,1km, quy mô đường cấp II, 6-8 làn xe và đường trên cao…

Hiện tại, H.Bàu Bàng đang có 2 tuyến đường tạo lực gồm đường Bàu Bàng - Mỹ Phước - Tân Vạn, dài 54,3km, tuyến đạt đường cấp II, quy mô 6-10 làn xe, lộ giới 64m và đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, dài 47,35km, quy mô 6 làn xe mới được hoàn thành đưa vào sử dụng.

Đặc biệt, tuyến đường sắt TP.HCM - Lộc Ninh xuất phát từ ga An Bình (TP.Dĩ An ) đến điểm nối biên giới Việt Nam - Campuchia (cửa khẩu Hoa Lư, Bình Phước), dài khoảng 128km, khổ 1.435mm, toàn tuyến có 17 ga, trạm khách.

Bình Dương đang nghiên cứu triển khai các tuyến đường sắt - Ảnh: ĐỖ TRƯỜNG

Bình Dương đang nghiên cứu triển khai các tuyến đường sắt

Ảnh: ĐỖ TRƯỜNG

Trong đó, đoạn Dĩ An - Chơn Thành là đường đôi, đoạn Chơn Thành - Lộc Ninh đường đơn. Tuyến đường sắt này có đoạn qua tỉnh Bình Dương dài khoảng 55,2km. Đường sắt TP.HCM - Lộc Ninh được xem là đòn bẩy, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực Đông Nam bộ nói chung, H.Bàu Bàng nói riêng và kết nối cửa khẩu Hoa Lư đi cảng Đồng Nai, cảng Vietsovpetro Vũng Tàu, thúc đẩy vận chuyển, lưu thông hàng hóa giữa H.Bàu Bàng và vùng TP.HCM.

Một tuyến đường sắt khác cũng đang trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi là tuyến đường sắt Bàu Bàng - Mộc Bài (Tây Ninh) sẽ kết nối các khu công nghiệp của Bình Dương và Tây Ninh.

Bên cạnh đó, tuyến sẽ kết nối đường sắt TP.HCM - Lộc Ninh với tuyến đường sắt TP.HCM– Tây Ninh để vận chuyển hàng hóa tạo động lực phát triển kinh tế xã hội của tỉnh cũng như của vùng tây Nguyên; đoạn qua tỉnh Bình Dương dài khoảng 31 km, khổ 1.435mm, quy hoạch sau năm 2030.

Theo đó, tại H.Bàu Bàng sẽ được xây dựng các ga đường sắt dự kiến tại xã Lai Uyên và xã Tân Hưng.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.