Từ 2 năm qua dấu hiệu thụt lùi của các đội tuyển trẻ VN đã hiển hiện từ U.15 đến U.19 với thành tích thi đấu quốc tế đi xuống. VFF lẽ ra phải thấy đó là một báo động đỏ về nguồn lực lẫn chất lượng đội hình, nhưng dường như tất cả đang quá say sưa với U.23 hay đội tuyển quốc gia mà quên rằng phía sau là một khoảng trống mênh mông của bóng đá VN.
Hãy nhìn trong những năm qua, đội tuyển VN hay U.23 có được bao nhiêu tài năng từ lứa tuổi 19 trở xuống? Ông Park gần như không thấy và không bổ sung được ai ngoài lứa U.20 World Cup 2 năm trước. Nhìn vào thất bại của U.18 VN, có thể thấy không có một cầu thủ nào đang chơi ở V-League hay giải hạng nhất.
|
Điều này hoàn toàn khác với lứa U.18 của 2 - 3 năm trước, đa số đá giải hạng nhất nên kinh nghiệm trận mạc và tâm lý thi đấu, sự tự tin được tôi luyện và trưởng thành. Các cầu thủ U.18 không được sớm đá đỉnh cao một phần do nguồn vào được tuyển chọn và đào tạo chưa tốt, chất lượng còn yếu. Phần khác là các CLB chưa có những phương pháp huấn luyện khoa học, trình độ HLV làm tuyến trẻ còn yếu nên cầu thủ 17 - 18 tuổi ra sân mà trông còn rất “ngố” thì thử hỏi làm sao tạo được sức bật.
|
Đã đến lúc VFF nên xây dựng lại mô hình đào tạo trẻ một cách thống nhất, bài bản cho CLB để có hệ thống tuyển chọn, đào tạo thật chuyên nghiệp và mạnh mẽ, không nên làm trẻ theo kiểu vội vàng, gây áp lực. Lẽ ra VFF phải có một tổng công trình sư cho bóng đá trẻ VN, hoạch định một chiến lược tổng thể về đào tạo theo một giáo án thống nhất, phải làm lại hệ thống thi đấu dành cho U.19 hoặc U.21 được vận hành song song với V-League, phải ưu tiên đưa cầu thủ trẻ vào sân chơi hạng nhất nhiều hơn thì mới khuyến khích được các đội bóng phát triển các tuyến trẻ như Hà Nội hay HAGL đang làm.
Chứ còn với lứa trẻ như hiện nay, nếu không dũng cảm làm lại một cách kiên trì và chắc tay thì chắc chắn khi những Quang Hải, Công Phượng, Xuân Trường… bắt đầu già đi, bóng đá VN sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng khó có lối thoát.
Bình luận (0)