Bình luận viên Quang Huy: ‘Lối đá U.19 Việt Nam ngày nay thiên về thực dụng’

11/09/2016 14:49 GMT+7

‘Tối nay tôi sẽ ngồi trong cabin để tường thuật trực tiếp trận đấu giữa U.19 Việt Nam gặp Singapore (19 giờ, 11.9). Tôi mong chờ được hét lên nhiều lần vì bàn thắng của Việt Nam. Và tôi tin mình sẽ có cơ hội làm điều ấy’, bình luận viên Quang Huy nói.

Quang Huy bảo được ‘làm’ những đội bóng trẻ luôn khiến anh vô cùng thích thú bởi: “Họ chưa quá trưởng thành như cầu thủ đội tuyển, nhưng cũng không còn vẻ quá non nớt. Họ là những thanh niên mới lớn, đầy hoài bão và nhiệt huyết. Cách ‘ứng xử’ của họ với trận đấu - tôi nghĩ luôn mang đúng tính cách của thanh niên: Đầy lửa và lòng quyết tâm.
Họ ở đây, không chỉ bao gồm lứa cầu thủ U.19 của thời HLV Hoàng Anh Tuấn mà còn của lứa U.19 hai năm về trước. Những ký ức rất đẹp về giải U.19 Đông Nam Á 2014 hẳn còn nguyên vẹn trong tâm trí của người xem, trong đó có tôi. Thế hệ Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Hồng Duy, Đông Triều… quả thực đã mang đến cho bóng đá Việt Nam luồng sinh khí mới, gây cảm hứng đặc biệt cho khán giả cả nước. Hiệu ứng xã hội mà lớp trẻ hồi ấy tạo ra quả thật rất lớn mà dư âm cho đến tận bây giờ”.
“Thế còn thế hệ U.19 của năm 2016 thì sao, thưa anh? Liệu các bạn trẻ của ngày hôm nay sẽ làm nên điều gì kỳ diệu?”. Bình luận viên Quang Huy trả lời: “Tôi không bao giờ có ý định so sánh sự hơn kém giữa các thế hệ cầu thủ U.19 với nhau. Vì nó sẽ không công bằng cho người trong cuộc. Lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… là tập hợp những cầu thủ sinh ra trong cùng một lò đào tạo, từ khi tư duy bóng đá và tư duy về cuộc sống còn chưa rõ rệt.
Họ tập luyện, học tập, sinh hoạt với nhau từ tấm bé, rồi lớn lên cùng nhau và chịu sự “va đập” ngoại cảnh y hệt như nhau. Tập thể của những con người ấy đề cao thứ bóng đá nghệ thuật, đẹp mắt. Lối chơi nhuần nhuyễn bởi được xây dựng trên nền tảng của những con người hiểu nhau đến từng chân tơ kẽ tóc.
Đội U.19 ngày nay có lối chơi khác thời Công Phượng, Tuấn Anh Quỳnh Mai
Còn thế hệ U.19 của năm 2016 có lối đá hoàn toàn khác. HLV Hoàng Anh Tuấn bắt buộc phải xây dựng cho mình một đội tuyển dựa trên những gì mình có. Tôi có cảm giác, ông Tuấn không được quyền quyết định cao nhất về nhân sự đội U.19 vì thời gian đầu tập trung, thiếu vắng quá nhiều cầu thủ vì còn bận làm nhiệm vụ cho CLB tại V-League. Không hội tủ đủ những cầu thủ tốt nhất thì sẽ phải mất công mài giũa cho họ “thấm” nhau, hiểu nhau.
Khi đội U.19 Việt Nam sang Myanmar dự Cúp tứ hùng, dù vô địch nhưng cá nhân ông Tuấn cũng phải nhận nhiều ý kiến chỉ trích. Tôi hiểu phần nào tâm lý người xem, nhưng cũng thông cảm phần nào cái khó của ông Tuấn”.
Quang Huy phân tích: “Lối đá mà ông Tuấn tạo dựng cho U.19 Việt Nam thiên về sự thực dụng, chứ không thiên về kỹ thuật. Ông Tuấn muốn trong đội hình của mình có những cầu thủ phát huy được tốc độ, có khả năng gây đột biến. Song mong muốn ấy chưa thể trở thành hiện thực trong quá trình chuẩn bị, tập rượt âu cũng là dễ hiểu. Ông Tuấn bị trách cứ nhiều vì trong quan niệm của nhiều người, bóng đá thực dụng với lứa cầu thủ trẻ là điều không nên.
Nhưng tôi thì thấy rằng, bóng đá đẹp của thời HLV Guillaume Graechen và bóng đá thực dụng, thiên về độ hóc hiểm của thời ông Hoàng Anh Tuấn đều có điều hay riêng, khó so sánh cái nào hiệu quả hơn cái nào. Như tôi chia sẻ, tôi không có ý định so sánh sự hơn kém về chuyên môn. Song lứa cầu thủ U.19 bây giờ tuy không có những cá nhân vượt trội nhưng đồng đều hơn. Chưa thể đánh giá thế hệ nào hơn thế nào vì mọi thứ sẽ được kiểm chứng ngay trong giải đấu này.
Tối nay, tôi có cơ hội tường thuật trực tiếp trận ra quân của U.19 Việt Nam và tôi thực sự mong muốn họ sẽ chơi đàng hoàng, đường nét, phát huy được tất cả điểm mạnh của mình và cho khán giả thấy bầu nhiệt huyết nóng đến cỡ nào. Xin tạm gác mọi âu lo về U.19 Việt Nam, hãy đặt niềm tin vào những chàng trai trẻ”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.