Ngày 14.7, HĐNĐ tỉnh Bình Phước cho biết vừa thông qua nghị quyết về quy định vùng nuôi chim yến và nhà yến trên địa bàn.
Theo đó, vùng nuôi chim yến là vùng nằm ngoài khu dân cư và quy hoạch đất khu dân cư, đất quốc phòng và đất khu công nghiệp... đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, đảm bảo khoảng cách từ nhà yến đến khu dân cư tối thiểu 300 mét.
Đối với các tổ chức, cá nhân nuôi chim yến trước ngày nghị quyết có hiệu lực nhưng không đảm bảo khoảng cách từ nhà yến đến khu dân cư tối thiểu 300 mét thì phải giữ nguyên hiện trạng, không được cơi nới và thực hiện theo các quy định tại khoản 2, điều 25, Nghị định số 13 của Chính phủ năm 2020 hướng dẫn chi tiết luật Chăn nuôi.
Cụ thể, nhà yến, trang thiết bị sử dụng cho hoạt động nuôi chim yến phải giữ nguyên trạng, không được cơi nới; có biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định; có hồ sơ ghi chép, lưu trữ thông tin về hoạt động nuôi chim yến; thiết bị phát âm thanh để dẫn dụ chim yến có cường độ âm thanh đo tại miệng loa không vượt quá 70 dBA; thời gian phát loa phóng để dẫn dụ chim yến từ 5 giờ - 11 giờ 30 và từ 13 giờ 30 - 19 giờ mỗi ngày…
Vài năm trở lại đây, phong trào nuôi chim yến tại Bình Phước "nở rộ" khi chim yến được coi là "lộc trời", có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, không phải ai đầu tư cũng thành công. Trong số này, có không ít các nhà yến được xây dựng kết hợp với nhà ở và các công trình dân dụng khác ở tầng lầu. Bên cạnh đó, việc xây dựng nhà nuôi chim yến trong khu dân cư gây phiền toái cho người dân bởi tiếng loa phát dẫn dụ yến.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước, hiện nay toàn tỉnh có khoảng 1.400 cơ sở chuyên dẫn dụ, khai thác chim yến, tập trung chủ yếu ở TP.Đồng Xoài, TX.Chơn Thành và các huyện Lộc Ninh, Đồng Phú... Đa số hộ chăn nuôi chim yến nhỏ lẻ, tự phát. Việc xây dựng nhà dẫn dụ chim yến dựa vào kinh nghiệm và phong trào dẫn đến kết quả khai thác không hiệu quả.
Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh ngày 14.7
Bình luận (0)