Giao thông nội tỉnh đã nhựa hóa 100%
Bình Phước là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chiến lược với đường biên giới dài gần 260 km với Vương quốc Campuchia và là điểm kết nối giữa Đông Nam bộ và các tỉnh Tây nguyên.
Để tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, Bình Phước đã không ngừng đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng giao thông. Hiện toàn tỉnh đã có trên 2.850 tuyến đường với tổng chiều dài hơn 8.900 km, trong đó, các tuyến giao thông huyết mạch (quốc lộ 13, quốc lộ 14, ĐT.741) và các tuyến đường tỉnh đã nhựa hóa 100%. Hiện nay lưu thông kết nối Bình Phước với Tây nguyên, Bình Dương, Tây Ninh và TP.HCM đến các nước Campuchia, Lào, Thái Lan qua cửa khẩu quốc tế Hoa Lư tương đối thuận lợi.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền tặng quà cho công nhân, người lao động |
Hoàng Giáp |
Tỉnh Bình Phước đã và đang ưu tiên đầu tư nhiều tuyến đường kết nối vùng tam giác phát triển động lực nội tỉnh giữa TP.Đồng Xoài - H.Đồng Phú - H.Chơn Thành.
Một số dự án đường cao tốc đi qua địa bàn như dự án cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một (Bình Dương) - Chơn Thành (Bình Phước); Dự án cao tốc đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước); Dự án mở rộng đường ĐT.753 và xây dựng cầu Mã Đà kết nối với sân bay quốc tế Long Thành và cảng Cái Mép, Thị Vải đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Những tiền đề quan trọng này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Bình Phước nói riêng, các tỉnh Tây nguyên, Đông Nam bộ và TP.HCM nói chung.
Lãnh đạo tỉnh Bình Phước luôn coi sự thành công của doanh nghiệp là sự thành công của tỉnh. Với phương châm “2 nhanh, 3 tốt” (nhanh giải phóng mặt bằng, nhanh thực hiện thủ tục đầu tư; chính sách tốt, hạ tầng tốt, tình cảm tốt), Bình Phước sẵn sàng đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư đến Bình Phước hoạt động sản xuất kinh doanh”
Trần Tuệ Hiền - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước
Trong buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Bình Phước vào ngày 20.3.2022 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định Bình Phước hội tụ nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển toàn diện, nhanh, bền vững. Đối với các dự án cao tốc kết nối giao thông giữa Đông Nam bộ với Tây nguyên mà Bình Phước ở vị trí kết nối, mở ra không gian phát triển mới, Thủ tướng cũng đã có chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan nhanh chóng triển khai thực hiện.
Gần 85% các KCN được lấp đầy
Bình Phước hiện có 13 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích 4.686 ha và 8 cụm công nghiệp với diện tích 380 ha, trong đó có 11 KCN đã được đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng và đi vào hoạt động. Chính phủ cũng đã chấp thuận chủ trương cho Bình Phước mở rộng 3 KCN (KCN Minh Hưng III, KCN Bắc Đồng Phú và KCN Nam Đồng Phú). Dự kiến đến năm 2030, Bình Phước sẽ tiếp tục quy hoạch mới và mở rộng một số KCN với diện tích khoảng 9.300 ha.
Một góc đường ĐT.741 nhìn từ trên cao |
Bình Phước còn có khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Hoa Lư tiếp giáp với Campuchia, Lào và Thái Lan với tổng diện tích trên 28.300 ha, trong đó có trên 3.500 ha đã đi vào hoạt động.
Hiện toàn tỉnh có 331 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký trên 3,5 tỉ USD. Ngoài ra có tới 1.179 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký 104.956 tỉ đồng. Đáng chú ý, năm 2021 tỉnh Bình Phước đã thu hút được 63 dự án FDI với số vốn 514 triệu USD, tăng 28,5% so với kế hoạch.
Công nghiệp Bình Phước hiện đang đóng vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế với chỉ số sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng 17,68%, tỷ lệ lấp đầy các KCN đạt 84,6% (năm 2021). Công nghiệp Bình Phước đã và đang tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm phong phú, đa dạng, đóng góp to lớn vào kim ngạch xuất khẩu năm 2021 (đạt 3,75 tỉ USD), tăng 22% so với năm 2020.
Cùng với hạ tầng giao thông đồng bộ, các KCN ở Bình Phước đang thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư trong và ngoài nước, không chỉ tạo ra hàng chục ngàn việc làm cho người dân địa phương mà còn góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, đô thị của các huyện, thị trong tỉnh.
Hiện Bình Phước đang ưu tiên thu hút các dự án phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp hỗ trợ; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… Phấn đấu đến năm 2025, Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp, thuộc nhóm các tỉnh phát triển nhanh và bền vững, có quy mô kinh tế khá trong vùng Đông Nam bộ.
Bình luận (0)