Bình Phước xếp thứ 7/63 tỉnh thành về kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia

Uyên Nghi
(thực hiện)
01/05/2024 12:54 GMT+7

Sau 3 năm triển khai Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 18.5.2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số, Bình Phước đã đạt được nhiều kết quả bước đầu ấn tượng.

PV Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Quang, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Bình Phước, về vấn đề này.

* Ông cho biết một số kết quả bước đầu sau 3 năm thực hiện mục tiêu chuyển đổi số theo Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy Bình Phước?

- Ông Nguyễn Minh Quang: Bình Phước đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hình thành chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số. Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy Bình Phước đã đề ra 3 nhóm mục tiêu với 10 mục tiêu cụ thể. Tính đến tháng 4.2024, Bình Phước đã hoàn thành 8/10 mục tiêu, còn 2 mục tiêu thách thức liên quan nhóm phát triển kinh tế số dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2025.

Ông Nguyễn Minh Quang, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Bình Phước

Ông Nguyễn Minh Quang, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Bình Phước

Cụ thể, về mục tiêu xây dựng chính quyền số, hiện Bình Phước đã triển khai nền tảng tích hợp, chia sẻ (LGSP) gồm các dịch vụ, ứng dụng dùng chung để kết nối, liên thông cơ sở dữ liệu giữa các bộ, ngành và hệ thống kết nối, liên thông thông tin ở Trung ương (NGSP). Hiện nay, 100% dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử được kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia. Tính đến tháng 4.2024, Cổng dịch vụ công của tỉnh đã tích hợp 1.390 dịch vụ công trực tuyến lên cổng dịch vụ công quốc gia, tỷ lệ khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu số hóa trên cổng dịch vụ công của tỉnh có 82.991 hồ sơ, đạt hơn 61%.

100% các đơn vị trên địa bàn tỉnh đã thực hiện ký số văn bản điện tử khi xử lý trên phần mềm quản lý, điều hành tác nghiệp của tỉnh. Việc phát hành văn bản điện tử có ký số điện tử cấp tỉnh đạt 100%, cấp huyện 90%, cấp xã 85%.

Về mục tiêu phát triển kinh tế số, Bình Phước phấn đấu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GRDP (năm 2023, tỷ lệ này chiếm 8% GRDP).

Riêng đối với mục tiêu phát triển xã hội số, hiện Bình Phước đã cấp hơn 50.366 chữ ký số cho người dân để thực hiện dịch vụ công trực tuyến và các giao dịch điện tử khác. 100% người dân, doanh nghiệp khi tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến đều được xác thực qua VNeID. 98% các điểm công cộng tại Bình Phước đã được lắp đặt camera phục vụ theo dõi, giám sát.

* Việc phát triển hạ tầng số hiện nay tại Bình Phước được triển khai như thế nào, thưa ông?

- Hiện Bình Phước đã và đang cải tạo, nâng cấp mạng 4G phủ sóng 100% diện tích của tỉnh. Năm 2024 và 2025, chúng tôi dự kiến sẽ triển khai lắp đặt khoảng 250 trạm BTS 5G tại các trung tâm, khu công nghiệp. Dự kiến giai đoạn 2025 - 2030 sẽ phát triển hoàn thiện mạng 5G toàn tỉnh.

Về hạ tầng băng rộng cố định, toàn tỉnh hiện có 843/843 thôn, ấp có hạ tầng băng rộng cố định, đạt tỷ lệ 100%. Mạng di động 3G/4G cũng đã phủ sóng 100% thôn, ấp, tuy nhiên vẫn còn một số khu vực trong vùng lõm sóng. Tỷ lệ người dân sử dụng thuê bao điện thoại đạt 125%, thuê bao internet băng rộng là 110%, tỷ lệ thuê bao điện thoại di động sử dụng smartphone đạt 89%. Riêng tại khu vực biên giới hiện đã triển khai 54 trạm phát sóng thông tin di động trên chiều dài 176 km đường tuần tra biên giới.

Trung tâm điều hành thông minh IOC Bình Phước

Trung tâm điều hành thông minh IOC Bình Phước

Sở Thông tin - Truyền thông Bình Phước

Đặc biệt, tỉnh Bình Phước hiện có 1.390 dịch vụ công kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia, xếp thứ 7/63 tỉnh, thành cả nước. Dịch vụ chứng thực điện tử đã triển khai tại 11/11 cấp huyện, 111/111 cấp xã; Hệ thống thông tin một cửa điện tử được triển khai đồng bộ tại 100% UBND cấp huyện, xã.

Bình Phước cũng đã triển khai dịch vụ đô thị thông minh. Trung tâm điều hành thông minh IOC của tỉnh được đưa vào vận hành đã giúp lãnh đạo tỉnh thuận tiện trong việc giám sát, chỉ đạo, điều hành.

Năm vừa qua, TP.Đồng Xoài vinh dự được trao giải thưởng thành phố thông minh Việt Nam 2022 thuộc lĩnh vực "thành phố điều hành, quản lý thông minh". Sở Thông tin - Truyền thông Bình Phước cũng được vinh danh ở hạng mục "Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc".

* Trong quá trình chuyển đổi số thời gian qua, địa phương đã gặp phải những khó khăn, hạn chế ra sao?

- Chuyển đổi số là việc mới, việc khó, chưa có tiền lệ, đồng thời chuyển đổi số có ảnh hưởng, tác động đến mọi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân. Vì vậy, việc thay đổi thói quen đã hình thành từ nhiều năm, để chuyển các hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân từ môi trường thực lên môi trường số luôn là khó khăn, trở ngại lớn.

Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực để tham mưu, tổ chức triển khai thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh cũng là một khó khăn cần khắc phục. Thực tế hiện nay, đội ngũ nhân lực CNTT cũng như chuyển đổi số của tỉnh còn khá mỏng, chất lượng chưa cao, điều này ảnh hưởng đến tiến độ triển khai chuyển đổi số tại địa phương.

* Nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số trong thời gian tới là gì, thưa ông?

- Từ những kết quả bước đầu đạt được, trong thời gian tới, Bình Phước tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền Nghị quyết số 04-NQ/TU sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự đồng thuận trong hệ thống chính trị và toàn xã hội, góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết số 04-NQ/TU đã đề ra.

Bên cạnh đó, Sở Thông tin - Truyền thông Bình Phước cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu, cập nhật, bổ sung để tham mưu UBND tỉnh hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi trong quá trình chuyển đổi số trên địa bàn. Mục tiêu đến 2025 Bình Phước cơ bản hình thành chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số, góp phần hiện đại hóa, công khai, minh bạch hoạt động giải quyết thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh và tạo niềm tin đối với người dân, doanh nghiệp.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.