Những em bé trong tuổi bú bình của Pháp đã và đang phải sử dụng các sản phẩm độc hại được xử lý bằng một chất khí gây ung thư.
Điều tra mới đây của tờ Le Nouvel Observateur cho thấy hàng triệu bình sữa có núm vú khử trùng bằng khí Ethylene oxide (EtO) được sử dụng rộng rãi tại các bệnh viện của Pháp từ nhiều thập niên qua. Điều đáng nói là, từ lâu nước này và cả EU đã cấm dùng EtO để khử trùng các nguyên vật liệu tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm. Trung tâm nghiên cứu ung thư quốc tế tại Pháp vào năm 1994 đã chính thức xếp chất này vào nhóm có khả năng gây ung thư cao.
|
Phớt lờ lệnh cấm
EtO vẫn được dùng để khử trùng một số dụng cụ y tế như băng gạc, băng keo cá nhân, găng tay, ống truyền… Những sản phẩm này hầu hết được dùng cho người lớn và không được đưa trực tiếp vào miệng. Tuy nhiên, một số nhà sản xuất tại Pháp lại lập lờ đánh đồng bình sữa loại dùng một lần rồi bỏ dành cho trẻ sơ sinh ở các khoa sản vào loại các sản phẩm y tế kể trên để phớt lờ lệnh cấm. Theo Le Nouvel Observateur, năm 2010, nhóm khoảng 10 bệnh viện tại Pháp mở gói thầu gồm 2.163.800 bình sữa dùng một lần và 45.500 dụng cụ hút sữa mẹ. Hãng Beldico (Bỉ) và Cair (Pháp) đã trúng thầu. Trong hồ sơ, cả hai không ngần ngại ghi rõ những sản phẩm này được khử trùng bằng khí EtO. AFP dẫn lời đại diện hãng Beldico là Michel de Gryse cho biết “không có cơ quan kiểm định nào báo với chúng tôi rằng khí EtO bị cấm dùng với bình sữa trẻ em”.
Bộ Y tế Pháp vào cuộc Ngay sau bài điều tra của Le Nouvel Observateur, Bộ trưởng Y tế Pháp Xavier Bertrand ra thông cáo thừa nhận “chỉ vừa biết vấn đề này”. Ông Bertrand yêu cầu toàn bộ bình sữa, dụng cụ hút sữa mẹ... xử lý bằng khí EtO bị thu hồi “trong thời gian sớm nhất”. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng điều tra về trách nhiệm của các hãng sản xuất và cơ sở y tế đã chọn mua những sản phẩm này. Kết quả sẽ được công bố trễ nhất vào cuối năm nay. |
Hoạt tính cực cao
Ngoài tác dụng khử trùng, trước đây, EtO được dùng để sản xuất thuốc tẩy, chất làm lạnh, chất chống đông, thậm chí trong Thế chiến 1 còn được dùng để điều chế hơi ngạt. Những cảnh báo về khả năng gây hại cho sức khỏe bắt đầu được đưa ra vào năm 1968 sau khi các nhà dịch tễ học người Thụy Điển ghi nhận tỷ lệ mắc ung thư máu và ung thư bao tử cao ở nhân viên làm việc tại những cơ sở sản xuất EtO.
Trả lời tờ Le Nouvel Observateur, chuyên gia độc chất học của EU André Picot phẫn nộ: “Làm sao người ta có thể đưa vào miệng trẻ sơ sinh núm vú bị nhiễm EtO. So với chất độc Bisphenol A trong đồ nhựa hiện đã bị cấm dùng trong sản xuất bình sữa tại EU, EtO có hoạt tính cao hơn nhiều”. Các hãng sản xuất vẫn luôn khẳng định khí EtO sau khi được dùng để khử trùng đã bay hơi gần hết. Tuy nhiên, theo ông Picot, việc loại trừ hoàn toàn chất độc này ở núm vú là không thể vì chất liệu cao su có khả năng giữ lại các chất khí bằng cấu tạo phân tử của mình. EtO lại có khả năng gây hại trực tiếp với liều lượng rất thấp mà không cần chất xúc tác trung gian nào trong cơ thể. Vì vậy, trên nguyên tắc sẽ không có ngưỡng an toàn nào chấp nhận được với khí độc này.
Nguyễn Ngọc Lan Chi
Bình luận (0)