(TNO) Ngày còn sống, ông cụ thân sinh của tôi thường kể chuyện về những nhà yêu nước chống thực dân Pháp trên quê mình.
Trong những câu chuyện đó, bao giờ cũng có tên cụ Trần Du. Theo lời ông cụ tôi, thì cụ Trần Du đồng hương quê làng Thi Phổ, xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, có danh xưng là “Bình Tây đại tướng quân”, gần giống với danh xưng “Bình Tây đại nguyên soái” của người anh hùng chống Pháp Trương Định, cũng là người quê gốc Quảng Ngãi.
Xin nói rõ, đây là danh xưng của nhân dân phong tặng, chứ không phải chức tước của triều đình ban thưởng. Nhân dân có thể rất hào phóng phong tặng những danh xưng hoành tráng như thế cho những người con yêu nước và cứu nước của mình, bất kể triều đình hay nhà nước có ban tặng hay không.
Cụ Trần Du, năm sinh chưa rõ, nhưng năm cụ hy sinh bên bờ sông Trà Khúc thì người Quảng Ngãi đều biết: đó là năm 1896. Đó cũng là năm mà cuộc vận động yêu nước và cứu nước cuối cùng mang danh nghĩa “cuộc khởi nghĩa Cần Vương” bị thực dân Pháp và bè lũ tay sai Nguyễn Thân dập tắt.
Nói chính xác là “dập nhưng không tắt”, bởi vì sau đó, qua đầu thế kỷ 20, phong trào yêu nước và cách mạng ở Quảng Ngãi lại bùng lên mạnh mẽ với nhiều tên tuổi khác.
Cụ Trần Du xuất thân là một nhà nho không khoa bảng, một người thân dân và yêu nước. Ngày đó, sau khi phong trào Cần Vương bị đàn áp dữ dội khắp Trung kỳ, thực dân Pháp cứ ngỡ sẽ được yên thân để khai thác thuộc địa ở Việt Nam.
Họ không ngờ, ngọn lửa Cần Vương từ Phan Đình Phùng vĩ đại đã âm thầm nhen nhóm nơi một số làng quê Quảng Ngãi, và địa danh này đã nổi lên như một trong những ổ đề kháng cuối cùng của phong trào Cần Vương ở Việt Nam.
Khẩu hiệu vận động khởi nghĩa của cụ Trần Du là “Cứu quốc, Hộ dân”, một khẩu hiệu đã đẩy xa hơn ý nghĩa của phong trào “Cần Vương”, và đã mang ý nghĩa dân chủ dân quyền nhiều hơn các phong trào vận động khởi nghĩa mà nó thừa kế.
Đó là một điểm đặc biệt của phong trào Cách mạng Quảng Ngãi từ cuối thế kỷ 19, khi chữ “Dân” được đặt ngay sau chữ “Quốc”, và từ bấy giờ, Nước và Dân đã là hai thực thể cao nhất, hai mục tiêu lớn nhất của mọi phong trào vận động cứu quốc.
Có một điểm đặc biệt của cuộc khởi nghĩa Trần Du, là nó đã liên kết, quy tụ những người yêu nước của hai địa phương Quảng Ngãi và Bình Định, lại còn lan tỏa tới cả Phú Yên. Chiến khu của cuộc khởi nghĩa Trần Du kéo dài từ miền tây Trà Bồng của Quảng Ngãi tới An Lão của Bình Định.
Nếu sau này chúng ta cảm nhận sự liên kết đặc biệt giữa Quảng Ngãi và Bình Định, thì không chỉ vì Bình Định có Trường thi mà sĩ tử Quảng Ngãi vẫn vào ứng thí, mà còn vì giữa những người yêu nước Quảng Ngãi và Bình Định đã có những liên kết bằng máu, máu của những người yêu nước.
Từ ngày ấy, những sĩ phu Quảng Ngãi và Bình Định đã giao du với nhau qua “kênh” cứu nước, đã đồng tâm đồng chí đồng lòng với nhau trong những cuộc vận động yêu nước, và đã cùng đổ máu trên hai mảnh đất mà mình sinh thành.
Tương truyền, khi thực dân Pháp và bè lũ Nguyễn Thân, nhờ những kẻ phản bội cuộc khởi nghĩa, bắt được lãnh tụ Trần Du, chúng đã hành hình ông tại bãi chém bến Tam Thương bên sông Trà Khúc.
Nếu có ai đó nói bến Tam Thương nghĩa gốc là bến “Tạm Thương” thì chúng tôi xin nói, nghĩa gốc của bến sông -bãi chém này là “bến Đau Thương”, và không chỉ đau thương có ba lần. Bao tiên liệt nghĩa sĩ cách mạng Quảng Ngãi đã bị kẻ thù xử chém trên bến sông này, suốt từ cuối thế kỷ 19 tới thế kỷ 20.
Tương truyền, khi lũ giặc đang chuẩn bị hành quyết cụ Trần Du, thì bỗng mây đen kéo về tối sầm cả một vùng trời đất. Lúc đao phủ ra tay, đầu cụ Trần Du rơi xuống, người vợ của cụ đã nhân lúc trời sầm tối lấy chăn quấn đầu cụ lén ra khỏi đám đông dự hành quyết, và mang đầu cụ về quê nhà (xã Đức Tân, huyện Mộ Đức) an táng.
Nhưng phần mộ của cụ Trần Du ở dông Gò Sắt, xã Đức Tân chỉ là nơi an táng phần đầu của cụ. Còn phần thân của cụ, nhiều ngày sau vụ hành quyết, thực dân Pháp mới cho gia đình mang về an táng, nhưng bắt phải an táng ở sông Vệ, cách nơi an táng đầu cụ hơn 10 cây số.
Lý do, nghe có vẻ hơi kỳ lạ, là kẻ thù của cụ Trần Du không muốn đầu và thân cụ cùng an táng một nơi, sợ sau này vong hồn cụ sẽ nổi dậy cùng nhân dân tiếp tục khởi nghĩa.
Thực tế sau này không như bọn cướp nước và bán nước suy nghĩ: khi bị chúng phân thân, linh hồn bất khuất của cụ Trần Du đã nhân rộng lòng yêu nước và ý chí phản kháng ra nhiều vùng đất, và kết quả thế nào tất cả chúng ta đều biết.
Từ năm 1998, phần mộ cụ Trần Du ở dông Gò Sắt, xã Đức Tân đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi tôn tạo. Hằng năm, tôi được nhiều lần về viếng và thắp hương trước mộ cụ, do mộ cụ rất gần phần mộ bà má trước của tôi - bà Trần Thị Minh - cũng là một liệt nữ họ Trần hy sinh năm mới tròn 20 tuổi.
Ngày cụ Trần Du bị Pháp xử chém bên sông Trà Khúc là ngày 4.2.1896 tính theo âm lịch. Như thế, hôm nay, ngày 4.2 năm Nhâm Thìn (tức ngày 25.2.2012) là ngày giỗ cụ, đúng 116 năm sau ngày cụ hy sinh.
Xin dâng một nén tâm hương trước anh hồn một người yêu nước ít được hậu thế biết đến nhưng thật sự vĩ đại. Chúng con tự hào vì Người - Bình Tây đại tướng quân Trần Du!
Thanh Thảo
Bình luận (0)