Công trình vướng 1,5 km vì chủ doanh nghiệp không bàn giao mặt bằng
Công trình đường giao thông huyết mạch Hàm Kiệm - Tiến Thành (dài gần 8 km) có chức năng nối đường dẫn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, chạy thẳng tới các khu du lịch phía nam TP.Phan Thiết và kết nối vào đường 719 để đến mũi điện Kê Gà. Tuy nhiên, con đường gần hoàn chỉnh thì bị vướng chiều dài mặt bằng 1,5 km do một doanh nghiệp đang trồng thanh long không chịu bàn giao mặt bằng để thi công.
Một lãnh đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất H.Hàm Thuận Nam cho biết, UBND huyện đã có quyết định phê duyệt việc đền bù cho các hộ dân, phải giải phóng mặt bằng để thi công đường Hàm Kiệm - Tiến Thành nhưng họ không đồng tình.
Theo đó, đầu tháng 1.2024, Trung tâm Phát triển quỹ đất đã gặp gỡ, đối thoại các hộ dân gồm bà Trần Thị Thu Th.; Trần Thị Thái H.; Đỗ Thị Út B. và Ngô Đỗ Hồng Ph. (trú xã Hàm Mỹ, H.Hàm Thuận Nam), nhưng các hộ dân này đều không đồng ý với cách thức bồi thường của huyện.
Sau đó, tất cả các hộ dân này đều có đơn ủy quyền cho ông Trần Ngọc Hoàng (Giám đốc Công ty thanh long Hoàng Hậu) để giải quyết các khiếu nại liên quan đến việc thu hồi đất.
Theo cơ quan chức năng H.Hàm Thuận Nam, tất cả các hộ dân này, dù đứng tên quyền sử dụng đất nhưng đất đó đang được Công ty thanh long Hoàng Hậu sử dụng để trồng thanh long. Toàn bộ tài sản trên diện tích đất của các hộ dân kể trên (58.000 m2) đều do Công ty thanh long Hoàng Hậu sử dụng, chứ các chủ đất không có ai trực tiếp sản xuất trong nhiều năm qua.
"Ông Trần Ngọc Hoàng yêu cầu huyện phải hỗ trợ gấp 2,5 lần mới chịu bàn giao mặt bằng. Trong khi quy định của nhà nước thì hộ gia đình, cá nhân phải trực tiếp sản xuất nông nghiệp, có nguồn thu nhập ổn định từ hoạt động sản xuất nông nghiệp trên thửa đất bị thu hồi mới được hỗ trợ gấp 2,5 lần. Trường hợp ông Trần Ngọc Hoàng không trực tiếp sản xuất trên diện tích đó, mà việc sản xuất là của Công ty thanh long Hoàng Hậu, nên UBND huyện không thể áp dụng hỗ trợ tới 2,5 lần, vì áp dụng sẽ vi phạm quy định của pháp luật", đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất Hàm Thuận Nam cho biết.
Tuy nhiên, ông Trần Ngọc Hoàng nhất định không chịu bàn giao mặt bằng dù huyện đã "năm lần bảy lượt" gặp gỡ, vận động, thuyết phục.
Đây chính là nguyên nhân dẫn đến chỉ còn hơn 1,5 km đường Hàm Kiệm - Tiến Thành bị "đứng bánh" không thể thi công.
Sẽ cưỡng chế để thi công tuyến đường quan trọng
Lãnh đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất H.Hàm Thuận Nam cho biết, ngày 19.2, cơ quan này đã phối hợp UBND xã Hàm Kiệm niêm yết phương án bồi thường.
"Tuy nhiên, sau khi được các ban ngành, đoàn thể của huyện tổ chức giải thích, thuyết phục và vận động nhưng ông Trần Ngọc Hoàng vẫn không đồng ý bàn giao mặt bằng cho nhà nước để thi công phần đường còn lại. Các ban, ngành của huyện đang xây dựng kế hoạch cưỡng chế", một lãnh đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất H.Hàm Thuận Nam cho hay.
Trả lời PV Thanh Niên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hồng Hải, cho biết Thường trực Tỉnh ủy đã nghe báo cáo về công tác giải phóng mặt bằng tuyến đường huyết mạch này. "Hiện nay UBND tỉnh đang chỉ đạo UBND H.Hàm Thuận Nam rà soát, củng cố lại hồ sơ giải phóng mặt bằng liên quan đến hộ ông Trần Ngọc Hoàng. Trong trường hợp ông Hoàng vẫn không bàn giao sẽ tổ chức cưỡng chế", Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận khẳng định.
Bình luận (0)