Hồ thủy lợi Ka Pét dự kiến được xây dựng ở H.Hàm Thuận Nam (Bình Thuận), có chức năng cấp nước cho khu công nghiệp và nước sinh hoạt cho người dân; phòng chống lũ và điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực H.Hàm Thuận Nam và toàn tỉnh Bình Thuận.
Hồ thủy lợi Ka Pét có sức chứa 51,2 triệu m3 nước (xếp thứ 4/50 hồ thủy lợi của Bình Thuận).
Tổng diện tích sử dụng đất của dự án xây dựng hồ thủy lợi Ka Pét là 693,31 ha, trong đó diện tích có rừng là hơn 680 ha (680,41 ha). Cụ thể, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đặc dụng là 162,55 ha; rừng phòng hộ là 0,91 ha; rừng sản xuất là 471,09 ha, rừng nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng là 45,85 ha và diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 12,9 ha.
Toàn bộ kinh phí dự án hồ thủy lợi Ka Pét sau khi được Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư là 874 tỉ đồng (tăng 288 tỉ đồng so với dự toán ban đầu).
'Đổi' rừng tự nhiên lấy hồ thủy lợi
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận, để phục vụ cho việc lập hồ sơ trình Bộ TN-MT phê duyệt đánh giá tác động môi trường, Sở TN-MT Bình Thuận đã hoàn thành việc kiểm kê, điều tra, đánh giá lại hiện trạng rừng. Đến tháng 4.2022, việc thẩm định số liệu về diện tích rừng đã được các cơ quan chuyên môn hoàn tất, trình UBND tỉnh Bình Thuận.
Theo điều 21 luật Lâm nghiệp 2017, khi lấy 1 ha rừng tự nhiên phải trồng lại 3 ha rừng trồng.
Trả lời Thanh Niên ngày 16.8, lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận cho biết, toàn bộ diện tích rừng mà Bình Thuận phải trồng thay thế diện tích rừng tự nhiên bị ngập tại hồ thủy lợi Ka Pét là 1.844 ha.
"Hiện Sở NN-PTNT Bình Thuận đang chỉ đạo các đơn vị chuyên môn khảo sát diện tích đất có thể trồng rừng thay thế để tổng hợp trình UBND tỉnh xây dựng kế hoạch trồng rừng", một lãnh đạo Sở NN-PTNT Bình Thuận cho biết.
Cũng theo vị lãnh đạo này, trường hợp diện tích đất trống để trồng rừng trong tỉnh không đủ theo quy định thì sẽ phải chuyển kinh phí trồng rừng sang địa phương khác có đất để triển khai, đảm bảo sao cho phải có diện tích rừng trồng gấp 3 lần diện tích rừng bị ngập ở hồ thủy lợi Ka Pét.
Bình Thuận là tỉnh nằm ở khu vực Duyên hải Nam Trung bộ, trước đây quanh năm Bình Thuận khô hạn, thiếu nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Có giai đoạn Bình Thuận được ví là tỉnh "3 K", tức là "khô, khổ, khó". Tuy nhiên, hiện Bình Thuận là địa phương không còn tình trạng thiếu nước.
Theo số liệu do Công ty khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận cung cấp, hiện toàn tỉnh có tới 49 hồ thủy lợi (hồ Ka Pét sẽ là hồ thứ 50) với tổng dung lượng thiết kế 442 triệu m3, trong đó có những hồ thủy lợi rất lớn, gắn với quá trình phát triển của Bình Thuận như hồ thủy lợi Sông Dinh, Sông Quao, Sông Lũy, Sông Lòng Sông và hồ Cà Giây... Những hồ thủy lợi quan trọng này đã góp phần tưới tiêu bao phủ toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của tỉnh Bình Thuận.
Bình luận (0)