Theo UBND tỉnh Bình Thuận, dự án đường bộ cao tốc Dầu Giây - Tân Phú dài khoảng 60,24 km, điểm đầu giao với QL1 tại Km1829+500 (trùng với điểm cuối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, thuộc H.Thống Nhất, Đồng Nai); điểm cuối vượt qua vị trí giao cắt với QL20 (tại Km69+400 trên QL20) khoảng 200 m, thuộc địa phận xã Phú Trung, H.Tân Phú (Đồng Nai).
Tại vị trí nút giao Tân Phú (thiết kế nút giao ngã ba) có đầu tư tuyến nhánh với chiều dài khoảng 1,4 km kết nối với QL20 thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai. Qua kiểm tra, vị trí nút giao này cách ranh giới H.Đức Linh (Bình Thuận) chỉ khoảng 1 km, nhưng chưa có thiết kế đường nhánh kết nối hệ thống giao thông với địa phương này.
Giúp Bình Thuận kết nối TP.HCM, Đồng Nai và Lâm Đồng nhanh hơn
UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị Bộ GTVT điều chỉnh thiết kế, bổ sung cho đấu nối cao tốc Dầu Giây - Tân Phú vào hệ thống giao thông của H.Đức Linh.
Cụ thể, xem xét, chỉ đạo Ban Quản lý dự án Thăng Long và đơn vị tư vấn nghiên cứu, bổ sung kết nối cao tốc Dầu Giây - Tân Phú với hệ thống hạ tầng giao thông tỉnh Bình Thuận vào hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn 1).
Kiến nghị điều chỉnh nút giao Tân Phú (từ nút giao ngã ba, thành nút giao ngã tư) và bổ sung tuyến nhánh kết nối với hệ thống đường bộ H.Đức Linh.
Đề xuất quy mô đầu tư tuyến nhánh trên là đường cấp III, 4 làn xe (tương tự đoạn tuyến nhánh nối vào QL20 phía tỉnh Đồng Nai). Đoạn tuyến nhánh, kiến nghị bổ sung nêu trên kết nối với các tuyến đường hiện trạng thuộc địa bàn H.Đức Linh, gồm: đường Đa Kai - Rô Mô, đường Mê Pu - Đa Kai và kết nối vào đường ĐT.766 (hiện trạng mặt đường bê tông nhựa rộng 11m). Tuyến đường Đa Kai - Rô Mô dài khoảng 2,1 km vừa được cập nhật vào quy hoạch tỉnh.
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, nếu được bổ sung nút giao này, việc giao thương, đi lại giữa H.Đức Linh, H.Tánh Linh với TP.HCM, Đồng Nai và Lâm Đồng sẽ rút ngắn thời gian, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội tại các địa phương trên khi tuyến cao tốc Dầu Giây - Tân Phú đưa vào khai thác.
Đề nghị điều chỉnh vị trí ga đường sắt Mương Mán
Trước đó (ngày 12.1), UBND tỉnh Bình Thuận gửi công văn đến Bộ GTVT đề nghị điều chỉnh vị trí ga Mương Mán thuộc Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, đoạn đi qua tỉnh. Cụ thể, vị trí ga Mương Mán thuộc xã Mương Mán, H.Hàm Thuận Nam, tại Km1397+000 (lý trình đường sắt tốc độ cao), cách ga Bình Thuận của đường sắt hiện hữu khoảng 0,4 km, cách trung tâm TP.Phan Thiết khoảng 13,2 km.
Như vậy, hành khách xuống ga đường sắt tốc độ cao di chuyển về trung tâm TP.Phan Thiết thông qua đường QL1 - Mương Mán hoặc theo đường ĐT.718. Tuy nhiên, hiện trạng mặt đường tuyến QL1 - Mương Mán và tuyến ĐT.718 hiện tại khá nhỏ hẹp (5,5 m - 7 m), nhà dân sinh sống hai bên rất đông đúc.
Việc đầu tư nâng cấp, mở rộng 2 tuyến đường này với quy mô là trục giao thông kết nối hệ thống giao thông quốc gia (đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao) đến trung tâm TP.Phan Thiết sẽ rất khó khăn. Chi phí đầu tư lớn do phải bồi thường, giải phóng mặt bằng, di dời nhà cửa và bố trí tái định cư cho nhiều hộ dân.
Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Thuận còn kiến nghị Bộ GTVT bổ sung kết nối đường bộ cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết vào trung tâm TP.Phan Thiết dài khoảng 10,6 km. Điểm đầu giao với cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết tại Km225+120 thuộc xã Hàm Hiệp, H.Hàm Thuận Bắc, điểm cuối kết nối vào đường Lê Duẩn, trước ga đường sắt Phan Thiết, thuộc xã Phong Nẫm.
Tuyến kết nối đường bộ cao tốc đến trung tâm TP.Phan Thiết dự kiến giao cắt với đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, đoạn qua địa bàn Bình Thuận tại Km1393+000, cách vị trí ga Mương Mán (đường sắt tốc độ cao) khoảng 4 km.
Như vậy, nếu mở thêm điểm giao kết nối nêu trên, du khách vào TP.Phan Thiết sẽ gần hơn so với điểm giao cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây hiện nay, giảm tình trạng ùn tắc do xung đột giao thông ở nút giao Hàm Kiệm.
Bình luận (0)