Bình Thuận: Giải quyết cơ bản 'bài toán tro xỉ than' của các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân

Quế Hà
Quế Hà
03/11/2022 17:49 GMT+7

Vấn đề tiêu thụ tro xỉ than tại các nhà máy nhiệt điện ở Vĩnh Tân (H.Tuy Phong) là bài toán phức tạp đối với những lo ngại về ô nhiễm môi trường ở Bình Thuận.

Ngày 3.11, thông tin từ các nhà máy nhiệt điện, trong những tháng cuối năm 2022, việc tiêu thụ tro xỉ than ở Trung tâm điện lực Vĩnh Tân đã giải quyết ổn thỏa được đầu ra.

Cầu cảng than của nhà máy Vĩnh Tân 2, phía bên kia là Nhà máy Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 mở rộng

QUẾ HÀ

Tiêu thụ lượng tro xỉ tăng cao

Theo thống kê, trong tháng 9.2022, Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 mở rộng tiêu thụ khoảng 250 tấn tro xỉ, nhưng đến tháng 10.2022 lượng tiêu thụ đạt 885,4 tấn. Tính 10 tháng đầu năm 2022, hai nhà máy này đã tiêu thụ được 78.918,89 tấn/159.774,26 tấn tro xỉ phát ra (tỷ lệ tiêu thụ đạt 49,39%).

Ông Trần Văn Trí, Phó trưởng phòng Hành chính tổng hợp Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4, cho biết hiện nay lượng tro xỉ, silô lò được khá nhiều đơn vị đặt mua, vận chuyển bằng đường thủy và đường bộ vào các nhà máy xi măng ở một số tỉnh thành phía nam.

Tàu cập cảng than tại Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4

QUẾ HÀ

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Mỹ Ngọc, Trưởng phòng Hành chính tổng hợp Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2, cho biết nhà máy cũng đã ký hợp đồng tiêu thụ với 7 đơn vị với sản lượng cam kết gần 1,2 triệu/ năm, tương ứng khoảng 91% lượng tro xỉ phát sinh (1,3 triệu tấn/năm).

“Hiện nay các nhà máy đều đang thi công nâng cấp cảng than để tàu có tải trọng đến 3.000 DWT cập vào và sẽ hoàn thành trong đó năm 2023. Khi đó việc vận chuyển tro xỉ dễ dàng hơn và chi phí cầu cảng giảm đi sẽ giúp việc tiêu thụ tro xỉ nhanh hơn hiện nay”, bà Mỹ Ngọc cho biết.

Riêng nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 tiêu thụ trong 10 tháng đầu năm là 1.024,3 tấn, chỉ đưa vào bãi xỉ 233 tấn.

Tàu vào cảng tổng hợp Vĩnh Tân vận chuyển tro xỉ than vào các nhà máy xi măng phía nam

QUẾ HÀ

Tuy nhiên, lượng tro xỉ tiêu thụ các tháng cuối năm là tro xỉ mới phát sinh, được các đối tác đến tận nhà máy chở đi. Trong khi đó, những bãi xỉ than của các nhà máy hiện nay đã đầy (cao tới 28 m), nhưng việc giải phóng tro xỉ trong bãi chứa vẫn chậm, hầu như không tiêu thụ được. Đây vẫn là lo ngại của chính quyền địa phương mỗi khi mùa mưa về, nguy cơ sạt lở bãi xỉ là rất có thể xảy ra.

Đóng góp lớn cho ngân sách tỉnh Bình Thuận

Trong 6 tháng mùa khô năm 2022, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 đã sản xuất được 2.444,4 triệu kWh (vượt 39,96 triệu kWh ), đạt 101,6% so với kế hoạch.

Trong khi đó, tổng sản lượng điện sản xuất Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 mở rộng đến hết ngày 31.10. 2022 là 2.692,5 triệu kWh (chỉ đạt 71,01% kế hoạch 10 tháng đầu năm 2022, thiếu hụt 1.099,28 triệu kWh). Theo ông Trần Văn Trí, nguyên nhân là do lưới điện ưu tiên nguồn điện tái tạo, nguồn điện của nhà máy nhiệt điện bị hạn chế đưa lên lưới. Trong 10 tháng đầu năm, Nhà máy Vĩnh Tân 4 đã đóng góp vào ngân sách nhà nước của tỉnh 706,8 tỉ đồng.

Đài quan sát tàu cập cảng chuyên dụng các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân

QUẾ HÀ

Còn theo báo cáo gửi đến Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận, cho đến tháng 9.2022, Nhà máy Vĩnh Tân 2 đã sản xuất được 5,20 tỉ kWh, đạt 72,16% kế hoạch năm. Đóng góp vào ngân sách địa phương dự kiến năm 2022 đạt 200 tỉ đồng.

Riêng nhà máy BOT Vĩnh Tân 1, sản lượng điện trong 10 tháng đầu năm đạt 6,7 triệu kWh, đóng góp vào ngân sách tỉnh Bình Thuận 531,7 tỉ đồng.

Theo lãnh đạo các nhà máy, thời gian qua truyền tải điện A0 ưu tiên tiếp nhận sản lượng từ các nhà máy nhiệt điện, do vậy lượng điện sản xuất tại các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân bị hạn chế phát lên lưới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.