Ngày 10.10, trả lời PV Thanh Niên, ông Phan Thanh Hoàng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Bình Thuận (chủ đầu tư dự án hồ thủy lợi Ka Pét), cho biết đơn vị này đang soạn thảo quy trình để trình UBND tỉnh chấm dứt hợp đồng với đơn vị tư vấn đánh giá tác động môi trường (ĐTM).
Nguyên nhân chấm dứt hợp đồng do Quốc hội có nghị quyết điều chỉnh (mới nhất tháng 6.2023) nên các báo cáo ĐTM trước đây không còn phù hợp, phải cập nhật và làm lại.
Thay đơn vị đánh giá tác động môi trường
Theo đó, Nghị định số 08/2022 ngày 10.1.2022 của Chính phủ, quy định chi tiết một số điều của luật Bảo vệ môi trường, ĐTM của dự án phải cập nhật lại dữ liệu, làm rõ thêm kịch bản ứng phó sự cố vỡ đập ra sao.
Mặt khác, do dự án có tác động đến rừng đặc dụng của Khu bảo tồn Núi Ông (137 ha) nên phải có đánh giá toàn diện đến sự đa dạng sinh học của khu rừng đặc dụng này vào ĐTM.
Từ những lý do trên, chủ đầu tư phải thuê tư vấn chuyên ngành (về đa dạng sinh học) mới thực hiện được nội dung này. Trong khi đơn vị tư vấn cũ không đủ chức năng để thực hiện các nội dung trên.
Theo ông Phan Thanh Hoàng, hiện nay UBND tỉnh Bình Thuận đang xem xét chấm dứt hợp đồng với đơn vị tư vấn cũ nên chưa tìm được đơn vị tư vấn mới để cập nhật các nội dung cần bổ sung trong ĐTM của dự án hồ thủy lợi Ka Pét.
Bổ sung báo cáo nghiên cứu khả thi dự án
Ngày 4.8.2023, Cục Quản lý xây dựng công trình (Bộ NN-PTNT) có văn bản số 1199/XD-TĐ đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận rà soát, bổ sung hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án hồ thủy lợi Ka Pét.
Hiện nay, UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh, phối hợp với các cơ quan chuyên môn khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ theo yêu cầu của Cục Quản lý xây dựng công trình, thuộc Bộ NN-PTNT.
Đến ngày 30.8, Cục Quản lý công trình tiếp tục có văn bản (số 1389 ) gửi UBND tỉnh Bình Thuận, nêu rõ sau khi đơn vị này tiến hành kiểm tra và đi thực địa (ngày 28.8 đến 29.8) nhận thấy nhiều nội dung quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn chưa được làm rõ trong báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án.
Cụ thể, chưa cập nhật số liệu thủy văn đầy đủ đến thời điểm hiện tại. Về thiết kế cơ sở, chưa chọn định lượng thiết kế kỹ thuật để lựa chọn phương án vùng, tuyến tối ưu. Mới chỉ có hồ sơ phương án đề nghị chọn, chưa có hồ sơ nghiên cứu khác nên không đủ cơ sở lựa chọn phương án đảm bảo kinh tế kỹ thuật theo quy định...
Theo quy định, báo cáo nghiên cứu khả thi dự án hồ thủy lợi Ka Pét đã hoàn chỉnh và sẽ phải trình Bộ NN-PTNT phê duyệt. Tuy nhiên, trước khi Bộ này phê duyệt phải lấy ý kiến Cục Quản lý xây dựng công trình. Sau khi xem xét, thẩm định, Cục Quản lý xây dựng công trình mới trình Bộ NN-PTNT phê duyệt.
Theo một cán bộ chuyên môn của tỉnh Bình Thuận, những vấn đề mà Cục Quản lý xây dựng công trình yêu cầu bổ sung chỉ là yếu tố kỹ thuật, hiện đã được các sở, ngành bổ sung đầy đủ.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất và cũng là khó khăn nhất hiện nay là báo cáo ĐTM của dự án chưa được phê duyệt, nên tỉnh sẽ phải tiếp tục đôn đốc các thủ tục tiếp theo để hoàn thiện ĐTM như nêu trên.
Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội ngày 6.10 yêu cầu UBND tỉnh Bình Thuận khẩn trương hoàn thành ĐTM để trình Bộ TN-MT phê duyệt. Trong đó, Chính phủ nhấn mạnh phải đánh giá khách quan những vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm thời gian qua.
Đồng thời, khẩn trương thực hiện, thẩm định, quyết định, tổ chức thực hiện đúng tiến độ như Nghị quyết của Quốc hội. Đặc biệt, phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về tiến độ, hiệu quả đầu tư, chất lượng, chuyển mục đích rừng, trồng rừng thay thế, sử dụng nguồn vốn đúng quy định, tiết kiệm và hiệu quả khi thực hiện dự án.
Tại cuộc họp đánh giá tình hình kinh tế, xã hội 9 tháng đầu năm 2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận (ngày 26.9), Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An cho biết Bình Thuận tiếp tục hoàn thiện các thủ tục về đầu tư dự án hồ thủy lợi Ka Pét theo nghị quyết của Quốc hội. Ông An yêu cầu các cơ quan chuyên môn tiến hành các thủ tục đầu tư đúng trình tự, sao cho "chặt chẽ, chắc chắn, kỹ lưỡng, khoa học và thực tế" để trình cấp thẩm quyền thẩm định, quyết định các thủ tục tiếp theo.
Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh ngày 10.10
Bình luận (0)