Hải Lăng có vùng biển với ngư trường rộng lớn; vùng đồng bằng với diện tích khá rộng dùng để canh tác cây lúa nước, hoa màu và vùng gò đồi có tiềm năng phát triển trồng rừng, cây ăn quả và phát triển trang trại tập trung.
Nhiều năm qua, cơ sở hạ tầng của huyện được quan tâm nâng cấp, hệ thống giao thông được đầu tư, các tuyến đường đến các điểm du lịch cơ bản đã hoàn thiện. Hoạt động kinh doanh thương mại của các thành phần kinh tế trên địa bàn huyện ngày càng phong phú đa dạng.
Là huyện có nguồn tài nguyên thiên nhiên và nhân văn phong phú có thể phát triển nhiều loại hình kinh doanh dịch vụ du lịch, được xác định là một mắt xích quan trọng trong cụm du lịch phía Nam của tỉnh mà trung tâm chủ yếu là Thành cổ Quảng Trị - La Vang - Trằm Trà Lộc. Cùng với sự phát triển của du lịch, các loại hình dịch vụ được hình thành, các làng nghề truyền thống được khôi phục và phát triển với những sản phẩm nổi tiếng của miền quê như: Nón lá, thêu ren, dệt xăm lưới, mộc mỹ nghệ. Các món ẩm thực ở Hải Lăng được nhiều người biết đến như: Cháo bột Diên Sanh, bánh ướt Phương Lang, canh ám làng Lam Thủy, mắm đam làng Trà Trì, bánh lọc Mỹ Chánh, rượu Kim Long, nước mắm Mỹ Thủy, ruốc bột Thâm Khê...
Năm 2022, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng của thiên tai, dịch bệnh nhưng Hải Lăng vẫn đạt được những kết quả quan trọng, có 10/17 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch. Đặc biệt, những chỉ tiêu mà huyện Hải Lăng đề ra cho năm 2023 là khá cao, trong đó, tốc độ tăng trưởng sản xuất 9 - 20%; thu nhập bình quân đầu người đạt 65 - 67 triệu đồng; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 1.200 tỉ đồng; giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đạt 92 triệu đồng/ha… điều đó thể hiện sự quyết tâm của huyện nhằm về đích huyện nông thôn mới vào cuối năm 2023 và sớm hoàn thành các chỉ tiêu mà nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.
Bình luận (0)