Bịt 'lỗ hổng' kiểm soát tài sản cán bộ

18/10/2024 05:37 GMT+7

Mỗi năm có tới hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức; số lượng được xác minh cũng lên tới cả chục nghìn bản, song số trường hợp bị phát hiện kê khai không trung thực chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Việc dựa chủ yếu vào sự tự giác, trung thực của người kê khai khiến các quy định kiểm soát tài sản dù chặt chẽ, nghiêm mật nhưng lại tồn tại nhiều "lỗ hổng" khiến không chỉ một mà nhiều "con voi" đã lọt qua…

Tài khoản trăm tỉ nhưng không kê khai

Tháng 3.2024, bà Nguyễn Thị Giang Hương, Chủ tịch UBND H.Nhơn Trạch (Đồng Nai), trình báo về việc bị lừa đảo hơn 170 tỉ đồng trong tài khoản ngân hàng. Dư luận được phen choáng váng không chỉ vì số tiền lừa đảo quá lớn mà còn bởi câu hỏi: Vị chủ tịch UBND huyện này vì sao có tài sản lớn đến vậy, nguồn gốc từ đâu?

Bịt 'lỗ hổng' kiểm soát tài sản cán bộ- Ảnh 1.

Thanh tra TP.HCM xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ, quản lý làm việc tại 13 đơn vị

ẢNH: TTBC TP.HCM

Hai tháng sau, cùng với việc vào cuộc truy tìm nhóm đối tượng lừa đảo, cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai tiến hành xác minh nguồn gốc số tiền khổng lồ của bà Hương. Kết quả xác định nữ chủ tịch huyện đã không trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập (TSTN), quanh co, đối phó, che giấu nguồn gốc số tiền chưa kê khai… Bà Hương bị cách chức phó bí thư, chủ tịch UBND H.Nhơn Trạch.

Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2018 quy định những người có chức vụ, quyền hạn từ công chức, viên chức, sĩ quan lực lượng vũ trang, và những người giữ chức vụ từ phó phòng trở lên đều phải thực hiện kê khai tài sản khi lần đầu giữ chức vụ. Hằng năm, những người giữ chức vụ từ giám đốc sở và tương đương trở lên, công chức hoặc người giữ chức phó trưởng phòng và tương đương trở lên trong một số lĩnh vực được coi là nhạy cảm phải thực hiện kê khai TSTN.

Những người có chức vụ, quyền hạn cũng buộc phải kê khai bổ sung khi có biến động về TSTN từ 300 triệu đồng trở lên. Khi việc giải trình nguồn gốc biến động TSTN trên 300 triệu không hợp lý sẽ bị xác minh.

Đối chiếu các quy định, nữ chủ tịch UBND H.Nhơn Trạch với số tài sản chỉ trong tài khoản ngân hàng đã hơn 170 tỉ đồng thuộc diện phải kê khai TSTN lần đầu, hằng năm và cả kê khai bổ sung. Tuy nhiên, số tiền hàng trăm tỉ đồng sẽ còn im trong tài khoản của bà Hương mà không xuất hiện trong bất cứ bản kê khai tài sản nào nếu như không có "sự cố" hy hữu mà bà gặp phải. Các bản kê khai TSTN của bà Hương dù không thể hiện có số tiền trên, nhưng sẽ vẫn được xác định là "đúng, đủ, sạch" giống như bao người khác.

Thực tế, thực hiện các quy định hiện hành về kiểm soát TSTN cán bộ, mỗi năm có hàng trăm ngàn tới cả triệu bản kê khai TSTN. Cũng mỗi năm, hàng chục ngàn bản kê khai được cơ quan kiểm soát TSTN tiến hành xác minh, song số trường hợp bị phát hiện kê khai không trung thực rất ít. Kể từ lần xác minh đầu tiên vào năm 2022 đến nay, các cơ quan kiểm soát TSTN đã tiến hành xác minh TSTN của gần 30.000 cán bộ, công chức. Số lượng bản kê khai phải xác minh là rất lớn, thế nhưng chỉ có 73 trường hợp bị phát hiện và xử lý kỷ luật vì kê khai không trung thực.

Câu hỏi nhiều người đặt ra là: trong số hàng triệu bản kê khai TSTN mà cán bộ, công chức đã thực hiện suốt nhiều năm qua, liệu có trường hợp nào tương tự như bà Hương nữa không?

Khi thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về công tác PCTN từ năm 2018 đến nay, Ủy ban Tư pháp Quốc hội nhiều lần cho rằng số lượng cán bộ, công chức bị phát hiện và xử lý vi phạm trong kê khai TSTN còn chưa tương xứng với thực tế, bởi phản ánh của dư luận và cử tri cho thấy vẫn còn nhiều trường hợp kê khai không trung thực nhưng chưa bị phát hiện.

Chỉ tính riêng kỳ báo cáo năm 2024, có đến hơn 16.000 bản kê khai TSTN được xác minh, nhưng số trường hợp bị phát hiện kê khai không trung thực chỉ là 19 người. Với 19 trường hợp này, liệu có thể tin rằng tuyệt đại đa số cán bộ, công chức đã trung thực khi kê khai TSTN? Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, số lượng cán bộ bị phát hiện không trung thực khi kê khai TSTN tuy đã tăng so với trước đây, nhưng "có lẽ chưa thực sự phản ánh đúng thực chất".

Cán bộ bị khám xét, tài sản mới lòi ra

Khi cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị cách hết chức vụ trong Đảng, dư luận chỉ biết ông này vi phạm do kê khai TSTN không trung thực; còn khối tài sản ấy là bao nhiêu, đã vi phạm kê khai những tài sản gì… thì chưa thể rõ. Mãi đến tháng 12.2023, câu trả lời dần hé lộ bằng việc ông Thọ bị bắt giam trong vụ án Xuyên Việt Oil. Cơ quan điều tra thu giữ của ông này 134 cuốn sổ tiết kiệm cùng hàng trăm miếng vàng, xe sang, gậy golf, đồng hồ xa xỉ... Và theo lãnh đạo Ban Nội chính T.Ư, 134 sổ tiết kiệm bị thu giữ trong vụ án có tổng trị giá lên tới hơn 1.117 tỉ đồng.

Luật PCTN năm 2018 có hiệu lực thi hành từ năm 2019, nhưng sau thời gian dài trì hoãn thì phải đến năm 2022, quy định về xác minh TSTN mới được triển khai. Với khoảng 3 năm thực hiện, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường thẳng thắn nhìn nhận công tác vẫn còn những hạn chế nhất định. Kết quả xác minh chủ yếu phát hiện các trường hợp kê khai có sai sót về mặt trình tự thủ tục, về mẫu, thời hạn nộp… Tuy nhiên, những sai sót này không phải là bản chất của việc kê khai không trung thực, không phải là đích đến cuối cùng của việc xác minh TSTN.

Điều đáng nói, quá trình giải quyết một số vụ án cho thấy, có những trường hợp chỉ đến khi có kết luận điều tra, hoặc cơ quan có thẩm quyền vào cuộc xác minh TSTN thì mới lộ ra khối tài sản lớn không được kê khai hoặc là không giải trình được nguồn gốc. Cũng có trường hợp dư luận phản ánh cán bộ sống ở ngôi nhà này, sử dụng tài sản kia nhưng trong bản kê khai TSTN thì lại không có; hoặc mức sống của một số cá nhân chưa thực sự phản ánh đúng như bản kê khai TSTN thể hiện.

Từ trường hợp ông Lê Đức Thọ, trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó chánh án TAND tối cao, đặt vấn đề với khối tài sản khổng lồ và đầy bất thường như thế, không hiểu vì sao ông này "vẫn lọt được vào T.Ư". Quy trình bổ nhiệm ra sao, trách nhiệm những người liên quan đến việc này thế nào?

Mối quan tâm của ông Độ không chỉ đến từ góc nhìn cá nhân, mà đã được lãnh đạo Đảng hết sức lưu ý. Tại phiên họp Tiểu ban nhân sự Đại hội XIV của Đảng hồi tháng 3.2024, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh rằng "không để lọt vào T.Ư những người kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc".

Theo ông Độ, "không để lọt những người giàu nhanh" không có nghĩa cứ là người nghèo thì mới được bổ nhiệm. Nhưng giàu như cách của cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre rõ ràng là điều không bình thường. Lẽ ra trường hợp này phải phát hiện từ sớm, vậy nhưng đến mãi sau này mới xử lý được.

Trông chờ vào sự tự giác là chưa đủ

Trong rất nhiều vụ án tham nhũng đưa ra xét xử thời gian qua, các cựu quan chức dù nhận của doanh nghiệp những số tiền, thời gian, bối cảnh khác nhau, nhưng đều có một điểm chung là trước khi sai phạm bị phanh phui, tuyệt nhiên không thấy ai bị phát hiện vi phạm về kê khai TSTN.

TS Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) nói "chắc chắn các khoản tiền đó không có trong bản kê khai TSTN", chỉ khi xảy ra vụ việc, dư luận mới biết cán bộ không trung thực. Điều này cũng dễ hiểu khi có đến hàng triệu bản kê khai TSTN thì không cơ quan nào có đủ khả năng xác minh hết được, việc trung thực hay không vẫn phải trông chờ vào sự tự giác của người kê khai.

Tuy nhiên, đặt toàn bộ niềm tin vào sự tự giác, trung thực của người kê khai khiến các quy định kiểm soát tài sản, từ kê khai đến xác minh dù chặt chẽ, nghiêm mật nhưng lại trở nên quan liêu, hình thức và thiếu hiệu quả. Ủy ban Tư pháp Quốc hội trong báo cáo thẩm tra về công tác PCTN năm 2024 dẫn tình trạng nhiều trường hợp sau khi cơ quan điều tra khám xét thì mới phát hiện khối tài sản lớn không kê khai, không rõ nguồn gốc để đánh giá rằng việc kiểm soát TSTN của người có chức vụ, quyền hạn còn hạn chế.

TS Đinh Văn Minh cho rằng cần có cơ chế để buộc cán bộ phải trung thực, nghiêm túc khi đặt bút ký vào bản khai TSTN.

Cơ chế ấy, theo trung tướng Trần Văn Độ, là phải nâng cao hiệu quả kiểm soát nguồn gốc tài sản của cán bộ. Kê khai và kiểm chứng bản kê khai mới chỉ là một phần, vì thông tin đã bày hết ra đó. Việc quan trọng là phải làm rõ số tài sản ấy có nguồn gốc từ đâu. "Không thể nói là đi buôn chổi đót, rồi kinh doanh bất động sản may mắn có lãi... Bảo buôn đất nhưng chẳng thấy hợp đồng đâu, cũng không thấy lịch sử giao dịch như thế nào, như thế là rất vô lý, khó chấp nhận", ông Độ nói.

Bịt 'lỗ hổng' kiểm soát tài sản cán bộ- Ảnh 2.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.