Bên cạnh đề cập đến những khía cạnh đang nhận được nhiều sự quan tâm như tầm nhìn, triển vọng và các thách thức, sự kiện kéo dài nửa ngày này còn là một buổi chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy lợi ích của công nghệ blockchain và các ứng dụng thực tiễn của nó...
Blockchain đang bùng nổ tại Việt Nam
Mở đầu tọa đàm, bà Gwebdolyn Regina, Giám đốc BNB Chain Fund, chia sẻ điều bà thấy thú vị nhất là Binance Chain đã tăng trưởng rất mạnh chỉ trong hơn một năm qua. Cụ thể, công nghệ blockchain đã được áp dụng vào nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực DeFi. Bên cạnh đó, bà Gwebdolyn còn cho rằng sự giao thoa giữa các lĩnh vực như DeFi, GameFi hay NFT sẽ xuất hiện trong vòng 5 năm tới.
Cùng quan điểm, ông James Wo, CEO quỹ đầu tư DFG Group, còn cho rằng kiến trúc của các nền tảng Layer 1 sẽ ngày càng vững chắc hơn. Bà Nicole Zhang, Giám đốc Binance Labs, thì nhận định những dự án Web2 sẽ tập trung phát triển cho Web3.
Toàn cảnh sự kiện Vietnam Blockchain Expoverse tại Dubai |
decom holdings |
Trong khi đó, ông Trần Dinh, CEO AlphaTrue, công ty chuyên xây dựng các sản phẩm blockchain và tài chính phi tập trung, khẳng định Việt Nam đã có sẵn "một nguồn nhân lực công nghệ thông tin dồi dào và một cộng đồng lớn trong blockchain".
Ngoài ra, ông Dinh cũng cho rằng Việt Nam là mảnh đất tiềm năng đối với công nghệ blockchain, khi sở hữu những điều kiện thuận lợi, hấp dẫn để triển khai các dự án. Có thể kể đến như:
- Lựa chọn đa dạng, chi phí thấp: Chi phí thuê nhân viên và vận hành các dự án ở Việt Nam rất cạnh tranh và có rất nhiều lựa chọn để cân nhắc.
- Khả năng mở rộng tốt: Theo dữ liệu thống kê từ Stalin, Việt Nam đứng trong top 10 quốc gia sở hữu nhiều tiền mã hóa nhất thế giới. Vì vậy, điều quan trọng là phải phát triển một dự án ở Việt Nam để dễ dàng được tiếp nhận.
Triển vọng của blockchain trong 5-10 năm tới
Theo ông Wo dự đoán, công nghệ blockchain sẽ được ứng dụng rộng rãi hơn trong 5 tới, với thị trường phát triển gấp 10 lần và số lượng người dùng có thể tương đương với số người dùng internet.
Chi tiết hơn, bà Gwebdolyn cho rằng sự giao thoa giữa các lĩnh vực như DeFi, GameFi hay NFT sẽ xuất hiện trong 5-10 năm tới. Trong khi đó Giám đốc Binance Labs lại cho rằng những token sẽ dần trở thành tài sản có giá trị lâu dài trong quãng thời gian này, thay vì đóng vai trò như các loại tiền tệ được dùng để trao đổi, giao dịch như trong thời điểm hiện tại.
Năm 2021 được xem là một năm phát triển mạnh của ngành blockchain Việt Nam. Tuy nhiên, để tiếp lửa duy trì và phát triển những thành tựu ấy thì sự giúp sức từ các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp lớn là rất cần thiết. Đây là mong mỏi của ông Trần Dinh cũng như nhiều doanh nghiệp ở lĩnh vực này. "Trong tương lai, với sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng, cũng như các tập đoàn lớn, nó [ngành blockchain tại Việt Nam] có thể vươn lên vị trí dẫn đầu trong thị trường blockchain quốc tế", ông Dinh nói.
Các diễn giả tại sự kiện Vietnam Blockchain Expoverse |
decom holdings |
Được biết, ông Dinh đã có 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư tiền điện tử và phân tích thị trường blockchain. Đồng thời, ông cũng là thành viên của nhóm X-Vision - nhóm nghiên cứu với nhiều chuyên gia Việt Nam từ nhiều lĩnh vực như kinh tế, tài chính, công nghệ, tiền kỹ thuật số, marketing..., đến từ Diễn đàn Phổ cập Blockchain. Ông Dinh cộng tác, làm việc liên tục trong vòng một tháng để đưa ra một Báo cáo giải quyết các vấn đề nêu ra của MAS đối với CBDC cho ngành bán lẻ Singapore hồi tháng 7.2021.
Những rào cản, thách thức
Khi được hỏi về thử thách lớn nhất khi đầu tư, James Wo cho rằng trong lĩnh vực blockchain nhà đầu tư phải có kiến thức rất rộng mới có thể bao quát toàn bộ thị trường. Chính vì vậy, ông dự đoán trong thời gian tới, các quỹ đầu tư mạo hiểm sẽ tập trung hơn vào những lĩnh vực họ hiểu biết, như metaverse hay DeFi. “Sẽ rất khó để các quỹ đầu tư mạo hiểm có thể vào mọi thị trường và thắng ở mọi lĩnh vực”, ông Wo nói.
Trong khi đó, Nicole Zhang cho rằng khó khăn lớn nhất với nhà đầu tư là lựa chọn được một đội ngũ để đầu tư, khi mà cả ngành blockchain vẫn còn ở những bước khởi đầu.
“Một vài ý tưởng có vẻ rất tuyệt ở thời điểm hiện tại, nhưng thực ra đã xuất hiện từ vài năm trước. Cái khó là làm sao nhìn ra được tương lai và những ngành nào có thể phát triển”, bà Zhang chia sẻ.
Những thách thức tại Việt Nam
Khi đề cập đến những thách thức đối với ngành blockchain ở Việt Nam, ông Dinh đã chỉ ra ba điểm chính:
- Nguồn nhân lực: Không có nhiều chuyên gia về blockchain ở Việt Nam; phần lớn đến từ các ngành khác như phát triển ứng dụng, phát triển trò chơi...
- Cơ sở hạ tầng: Ở Việt Nam, các nhóm thường xuyên tập trung vào việc phát triển các ứng dụng. Do đó, các doanh nghiệp mới có một số nền tảng hạn chế để xây dựng.
- Chính sách: Khó khăn cuối cùng là các chính sách còn khá mới mà nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận được trong lĩnh vực blockchain.
Bà Dung Nguyễn, chuyên gia cao cấp nghiên cứu và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, khẳng định chính phủ Việt Nam luôn ưu tiên phát triển công nghệ mới và xác định công nghệ là một trong những mũi nhọn để phát triển kinh tế trong tương lai.
Bà Dung cho biết: “Chính phủ Việt Nam không trì hoãn việc tiếp cận và ứng dụng công nghệ blockchain mà đang tìm cách để đẩy nhanh việc ứng dụng và đổi mới công nghệ. Đặc biệt trong lĩnh vực chuyển dịch số cho doanh nghiệp và trong điều hành chính phủ". Tuy nhiên bà Dung cũng lưu ý việc này cần có thời gian để đào tạo nguồn nhân lực và tạo lập các chính sách mới cho Việt Nam. “Việt Nam đang là điểm sáng trên bản đồ blockchain thế giới. Để tận dụng cơ hội mà công nghệ đem lại, chính phủ Việt Nam luôn cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, cộng đồng công nghệ để góp phần đưa công nghệ đi vào đời sống và tạo ra những giá trị bền vững”, bà Dung chia sẻ.
Bình luận (0)