(iHay) Đọc câu chuyện 'Đàn ông về nhà chỉ ăn - tắm - ngủ khác gì con lợn' của nhà văn Trang Hạ xôn xao trên Facebook mới đây, tôi đã tự nhẩm lại xem ở nhà chúng ta còn nuôi con vật gì khác chỉ ăn - tắm - ngủ ngoài con lợn?
>> Blog của May: Bạn có 'để dành' cuộc đời mình không?
Nhưng hình như con lợn là đáp án duy nhất bởi con cún còn biết trông nhà, con mèo còn bắt chuột, chỉ có mỗi con lợn được nuôi cho béo là chẳng phải làm bất cứ việc gì khác ngoài ăn - ngủ và được tắm. Lợn không phải làm gì vì nó cần được vỗ béo, còn đàn ông không làm gì là do đâu?
Tôi cá rằng từ khi dư luận xôn xao về bài viết trên, chắc cũng không ít cuộc “chiến tranh lạnh” nổ ra giữa các cặp vợ chồng. Phụ nữ hầu hết đứng về phía Trang Hạ, đàn ông dĩ nhiên đứng ở phe ngược lại. Chúng ta nhận ra rằng bất cứ khi nào có tranh luận về bình đẳng giới, tất cả mọi người đều đổ xô vào. Hóa ra điều chúng ta quan tâm nhất vẫn không phải là giá xăng tăng, hoa hậu lộ hàng mà chỉ là ai làm việc nhà, ai rửa bát, ai nấu cơm tối nay.
Đàn ông kể ra cũng tội nghiệp. Từ khi chưa sinh ra, họ đã được kỳ vọng trở thành đấng nam nhi đầu đội trời chân đạp đất. Đàn ông phải kiếm ra tiền, phải có sự nghiệp, đàn ông phải mạnh mẽ ăn to nói lớn. Đàn ông sinh ra phải làm việc “lớn”, dĩ nhiên những việc nấu cơm, rửa bát, quét nhà là việc “nhỏ”. Cả xã hội nghĩ vậy, và chúng ta đương nhiên kỳ thị những người đàn ông dịu dàng nhỏ nhẹ, kỳ thị người đàn ông không thích đi học làm công an, bác sĩ hay kỹ sư mà chỉ thích làm bánh ngọt, trồng hoa tươi. Họ bị áp lực phải làm đàn ông như đúng cách mà xã hội này từ xưa đến nay xây dựng, nhưng kiếm tiền, gầy dựng sự nghiệp đâu phải trở bàn tay là có, vậy nên họ thể hiện mình là đàn ông bằng cách đơn giản nhất: không mó tay vào việc nhà.
Về vấn đề này, ngay bản thân những người phụ nữ cũng có mâu thuẫn. Người mẹ cả đời vất vả phục vụ chồng con, đôi khi thầm trách sao mình chẳng được ai giúp đỡ, nhưng khi con trai lấy vợ, đến thăm nhà thấy con trai hăng hái xào rau kho thịt còn con dâu hát líu lo sơn móng tay thì nổi cơn tam bành. Nào thì “chị làm vợ mà để chồng phục vụ không biết xấu hổ”, nào thì “đàn ông con trai chiều vợ nó hèn người đi”, “nào là “dăm ba cái việc bếp núc không phải việc của đàn ông”. Thế là anh con trai vừa mới chớm bước thử làm “việc nhỏ” đã bị lôi tuột trở lại ghế sofa, ngồi yên đó xem phim đọc báo cho đến khi cơm tối được dọn ra và dọn đi. Phụ nữ cũng coi đàn ông làm việc nhà là chuyện lạ, vậy thì đến bao giờ đàn ông mới xem đó là chuyện thường đây.
Chúng ta hãy ngược vào quá khứ, tìm hiểu nguyên nhân của quan niệm đàn ông làm việc lớn, phụ nữ làm việc nhỏ. Từ thuở hồng hoang săn bắt hái lượm, đàn ông có sức khỏe hơn nên vào rừng săn bắt, phụ nữ yếu hơn thì đi hái lượm và nấu nướng từ những chiến lợi phẩm mà đàn ông mang về. Đến thời phong kiến, chỉ có đàn ông mới được làm quan, được học hành, phụ nữ chỉ lo nấu nướng thêu thùa, nâng khăn sửa túi. Nhưng trong cả hai thời kỳ đó, đàn ông vẫn là người lo kinh tế cho gia đình và phụ nữ chẳng phải tự vác cung tên vào rừng hay lăn lộn chốn quan trường. Họ chỉ cần loanh quanh góc bếp, làm người vợ hiền thục đảm đang là đủ.
Giờ hãy trở về với xã hội của chúng ta hiện tại. Ở nhiều trường đại học, số lượng nữ sinh nhiều hơn nam sinh. Ở không ít cơ quan, nhân viên nữ cũng nhỉnh hơn nhân viên nam. Trong gia đình, chồng đi làm thì vợ cũng đi làm, và thật khó có thể nói ai kiếm được nhiều tiền hơn ai. Phụ nữ đã san sẻ với đàn ông gánh nặng về kinh tế, về trụ cột, vậy thì ai sẽ san sẻ với cô ấy gánh nặng chăm lo cho gia đình, từ bữa cơm ngon, từ chiếc áo sạch, từ viên thuốc cho con, từ lon bia cho chồng.
Dĩ nhiên đàn ông có thể nói rằng họ phải sửa xe, thay bóng điện, bê vác đồ đạc này kia. Nhưng bóng điện không phải hôm nào cũng cần thay, xe không phải hôm nào cũng hỏng, còn cơm hôm nào cũng phải nấu, nhà gần như cũng phải đều đặn lau, quần áo cũng phải thường xuyên giặt… đàn ông nghĩ gì nếu sau 8 tiếng công sở như nhau, người vợ tất bật vào bếp, dọn cơm, rửa bát, cuống cuồng vơ quần áo đi giặt, trong lúc chờ giặt xong thì lại tất tả lau nhà, trong khi đó người chồng chỉ cần bận tâm món cá hôm nay có vừa miệng, trận bóng hôm nay có hay, ngày mai đã có quần áo mặc đi làm hay chưa.
Không phải đàn ông kiếm được tiền thì không cần làm việc nhà. Cũng không phải đàn ông biết nấu cơm rửa bát thì không cần kiếm tiền. Phụ nữ cũng vậy, không thể vì kiếm nhiều tiền hơn mà lên mặt với chồng, cũng không thể vì đóng vai trò phụ trong kinh tế mà nem nép cúc cung phục vụ. Cho dù không mang lại cho vợ con cuộc sống dư dả, đàn ông vẫn có cách thể hiện bản lĩnh đàn ông. Cho dù không khéo tay nấu nướng, chăm chỉ dọn dẹp, phụ nữ cũng có cách riêng để chăm sóc chồng con. Nếu cô ấy không giận anh vì anh không kiếm nhiều tiền hơn chồng hàng xóm, hà cớ gì anh dằn hắt vợ mình vì bữa cơm chưa ngon, nhà chưa kịp dọn.
Cuộc sống của chúng ta đã thay đổi quá nhanh mà tư tưởng chưa bắt kịp. Trên các báo nhan nhản những bài viết dạy cách ứng xử cho phụ nữ nếu “lỡ” kiếm được nhiều tiền hơn chồng, bí quyết giữ lửa hôn nhân khi chồng chê mình già, xấu, bí quyết nịnh chồng làm việc nhà. Rõ ràng, mọi thứ đã thay đổi, dù phụ nữ cũng chẳng ai nỡ ví chồng mình như “lợn” đâu.
Mấu chốt của hôn nhân nằm ở sự chăm sóc và chia sẻ lẫn nhau. Chăm sóc chứ không phải phục vụ. Những người phụ nữ đang không chăm sóc chồng hãy suy xét. Và những người đàn ông nếu đang để vợ phục vụ cũng hãy nhìn lại mình. Ranh giới giữa tự nguyện và bắt buộc mong manh lắm.
Hãy hiểu đơn giản thế này, nếu bạn rảnh rang xem ti vi, hãy chia sẻ để vợ mình có thời gian đọc sách. Nếu bạn chẳng thể trò chuyện vì vợ mình khi ngả lưng xuống giường đã mỏi mệt rã rời, hãy nói chuyện cùng cô ấy khi chia sẻ công việc nào đó. Nếu không muốn thấy vợ đầu bù tóc rối, hãy tắm cho con khi cô ấy nấu cơm. Nếu muốn ngày mai hai vợ chồng có thời gian “hò hẹn”, hôm nay hãy vui vẻ cùng cô ấy dọn dẹp…
Xét cho cùng, lợn càng béo càng nhiều mỡ, đàn ông càng béo thì chỉ càng dễ mắc bệnh thôi.
Blog của May
Ảnh minh họa: Shutterstock
>> Blog của May: Hậu 8.3
>> Blog của May: Hãy cất một chiếc bao cao su vào ví
>> Blog của May: Năm mới, yêu sao cho mới
>> Blog của May: Mùng 1 ăn gì?
>> Blog của May: Hãy để năm cũ qua đi
>> Blog của May: Những lời yêu cho Valentine hạnh phúc
Bình luận (0)