(iHay) Gái hư và gái ngoan? Tôi không thể hiểu tại sao lại có thể phân chia phụ nữ thành hai khái niệm quá chật hẹp và buồn cười như vậy?
>> Blog của May: Đừng để duyên số làm hết mọi chuyện
>> Người mẫu teen chụp ảnh bán "nuy": Gái hư hay gái ngoan?
Chưa bao giờ tôi thấy hai khái niệm 'gái ngoan', 'gái hư' xuất hiện trên mạng nhiều vô kể như khoảng thời gian gần đây. Và các cô gái đua nhau tự nhận mình là 'gái hư' như một cách khoe khoang cá tính. Thử đọc mấy bài viết trên mạng, tôi vu vơ tự nghĩ rằng nếu áp theo tiêu chuẩn trên đó thì tôi cũng chẳng phải là 'gái ngoan' mất rồi. Nhưng nếu vậy thì tôi là 'gái hư' chăng? Bạn lại cũng nhầm nữa đấy.
Gái hư và gái ngoan? Tôi không thể hiểu tại sao lại có thể phân chia phụ nữ thành hai khái niệm quá chật hẹp và buồn cười như vậy. Thế nào là ngoan, thế nào là hư? Chẳng lẽ chỉ phụ thuộc vào việc cô ấy ăn mặc kín đáo hay hở hang, thích thụ động hay chủ động “cầm cưa”, đi chơi về sớm hay về muộn, thích sex hay không thích sex. Dựa vào những điều ấy để đánh giá thì thật thiển cận, và những người luôn thích tự nhận mình là "gái ngoan" hay "gái hư", chắc gì đã hiểu hết ý nghĩa của hai từ ấy.
Phụ nữ - đúng thực là một người phụ nữ đã mệt rồi, sao cứ phải áp mình vào những tiêu chuẩn này kia cho đúng mốt. Rõ ràng không uống được rượu mà vẫn cố chụp một kiểu ảnh tay cầm ly cho có vẻ chịu chơi, cá tính. Thích phát điên một anh chàng mà không dám mở lời vì sợ người ta sẽ nghĩ rằng mình dễ dãi. Cố "ngoan", cố "hư" để làm gì nếu đó chẳng phải là cá tính của bạn. Khi mà có một cách đơn giản hơn là cứ sống, cứ yêu theo cách mà bạn muốn.
"Ngoan" không có nghĩa là thụ động, "hư" không có nghĩa là buông thả. Nếu với đàn ông, tôi thường không đánh giá trai hư hay trai ngoan mà chỉ nhìn họ ở khía cạnh thú vị hay không thú vị, thì tôi nhìn phụ nữ cũng dựa vào việc cô ấy dám thể hiện cá tính của mình, chân thật. Em có thể xấu, có thể tốt, có thể nóng có thể lạnh, nhưng đừng cười giả lả mà trong bụng nghĩ khác, và cũng đừng vì dư luận mà cố khoác lên người chiếc áo không phải của em.
Tôi biết rằng với đàn ông, trăm người thì có trăm cách nghĩ, và thú thực cũng có trăm cách để quyến rũ họ. Nhưng cố gắng đo ni đóng giày một nét tính cách nào đấy cho vừa mắt một người đàn ông thì chẳng đáng. Chàng là học giả ? Bạn sẽ đeo cặp kính cận và ôm cuốn sách dày cộm đến buổi hẹn ư? Chàng là tay chơi? Bạn dù cả đời lạnh lùng kín đáo liệu có cố xắn gấu váy lên vài tấc để đẹp ý chàng? Hãy nhớ người đàn ông xứng đáng đi cùng bạn cả đời nên là người yêu sự thật trong con người bạn, chứ không phải một phiên bản "bạn" khác núp dưới lớp áo choàng tô vẽ.
Khi tôi viết bài này, có người vô tình hỏi: "Em thấy mình là gái ngoan hay hư?". Tôi cười: "Em hư theo cách của mình, ngoan theo cách của mình. Cá tính mỗi người sinh ra không phải là thứ trang phục thay đổi cho đúng mốt. Có người nghĩ rằng em hư nhưng vẫn thích. Có người cho rằng em ngoan nhưng vẫn chán. Mọi sự tùy duyên cả".
Tùy duyên! Bạn không thể hôm nay khoác cá tính này, mai khoác cá tính khác để làm đẹp lòng hết thảy thiên hạ. Cách tốt nhất là hãy là chính mình. Cứ mặc chiếc váy sexy kia, cứ hôn anh ấy đi, cứ từ chối ly rượu này đi, cứ nghiêm túc hay phóng khoáng, kín đáo hay nồng nhiệt…miễn rằng đó là chính bạn.
Tôi vẫn mong rằng có một người đàn ông nào đó khiến mình cam tâm tình nguyện mà thay đổi một phần nào đó thuộc về con người mình. Có thể lăn xả vào bếp với bột mì, trứng gà, bơ sữa…thay vì vùi đầu vào tạp chí thời trang. Có thể kết bạn với những đôi giày đế bệt dịu dàng thay vì giày cao gót kiêu sa. Có thể phá vỡ một nguyên tắc nào đó trong đời, duy nhất dành cho người đàn ông ấy… Tôi "hư" hay tôi "ngoan"?. Nếu người đã yêu tôi thì điều ấy còn gì quan trọng nữa.
Vì tôi không thích khái niệm “gái ngoan”, “gái hư”, nên tôi hay dùng cách ví von “công chúa” và “phù thủy”. Chắc ai cũng đã từng đọc truyện cổ tích, nên chẳng cần phải giải thích thế nào là công chúa, thế nào là phù thủy nữa phải không.
Nhân tiện, tôi thấy các bộ phim cổ tích gần đây nhân văn hơn những câu truyện cổ ngày xưa rất nhiều. Trong đó, các nhân vật dù ở phe phản diện cũng không bao giờ xấu xa từ khi sinh ra, họ chỉ bị trở nên xấu đi bởi một biến cố, một sự tổn thương khủng khiếp nào đó trong đời. Và các cô công chúa trong phim cũng không phải cứ mở to mắt ngây thơ khóc thật lớn là êm chuyện, các cô cũng phải lăn xả chiến đấu bảo vệ cái tốt trên thế giới, đồng thời cứu rỗi sự tốt đẹp còn sót lại trong tim những nhân vật phản diện.
Phù thủy không nhất thiết phải xấu xa, và công chúa đôi khi cũng có cá tính khác người. Quả thực những bộ phim ấy khiến tôi nghĩ đến lúc mình cần xem lại ranh giới giữa “công chúa” và “phù thủy”. Còn bạn, bạn có định xem lại khái niệm "gái ngoan" và "gái hư" không ?
Blog của May
Ảnh minh họa: Favim
>> Blog của May: Đàn ông thú vị đi đâu hết rồi?
>> Blog của May: Khi người ta bắt đầu yêu
>> Blog của May: Đọc đi, nếu muốn cưa một cô nàng viết lách
Bình luận (0)