(iHay) Cầm hộp cơm trưa trên tay, người ta vừa ăn vừa mỉm cười khi nghĩ tới bạn. Bỗng dưng khoảng thời gian buổi chiều dài ra vì mong ngóng đến lúc được gặp nhau.
>> Blog của May: Tại sao cứ phải là Giáng sinh?
Sáng nay, trong lúc vội vàng kiếm đồ đi làm, tôi làm rơi ra ngoài chiếc hộp đựng cơm mua từ hai năm trước giờ đây được vứt chỏng chơ trên kệ bếp. Chiếc hộp nhắc tôi về một thời chăm chỉ mang cơm trưa đến chỗ làm, dù chỉ với những món ăn giản tiện hết mức cho đỡ tốn thời gian nấu nướng. Kỳ cạch được đôi tháng, hộp cơm được xếp gọn cất trên kệ, tôi quay lại trung thành với cơm bụi quán quen. “Khi nào lỡ thương ai, sẽ làm cơm trưa mang đi cho người ấy”, tôi thầm nghĩ vậy.
Với những ai làm ở công sở, việc trưa nay ăn gì hóa ra lại khó khăn hơn cả “tối nay ăn gì?”. Bởi cơm nhà, chỉ cần có chữ “nhà” là tự nhiên đã ngon. Còn cơm trưa, cơm bụi, cầu kỳ đến mấy, đắt tiền đến mấy cũng chưa chắc đã thấy ngon. Đôi khi, cứ tự nhủ “ăn để sống, không phải sống để ăn”, vậy là cũng qua bữa cơm trưa.
Khi tôi xem phim Nhật Bản, nhìn những hộp cơm bento mà họ thường mang theo đi học, đi làm, mới thấy hóa ra cơm không chỉ để ăn mà còn để ngắm, để bày tỏ yêu thương. Trong máy tính của tôi đến giờ vẫn còn một folder hình ảnh những hộp cơm bento xinh đẹp lưu từ cách đây rất lâu, thầm nhủ giữ lại làm mẫu nếu như có ngày làm cơm trưa cho anh chàng nào đó.
Người Nhật có bento, người Hàn có gimbab, còn tôi chắc sẽ luộc rau muống và làm thịt kho tàu sao cho thật đẹp. Hộp cơm ấy không chỉ phải ngon, nó còn phải đẹp tới nỗi khiến “chàng” không nỡ ăn. Tôi nhớ mãi một chi tiết trong bộ phim Ngôi nhà hạnh phúc phiên bản Việt, bị người xem phàn nàn quá trời khi Minh Hằng làm nguyên hộp gimbab đến thăm Lương Mạnh Hải tại phim trường, y như bản gốc của Hàn Quốc.
Đã phiên bản Việt rồi sao không “Việt hóa” cho trọn. Cũng giống như bento, đẹp đấy, nhưng liệu “chàng” có thích cơm nắm dẻo, xúc xích, cà chua bi, trứng tráng trái tim… như "bản gốc”. Vậy nên, dẫu chưa có dịp thực hành với rau muống luộc và thịt kho tàu, tôi vẫn quả quyết rằng hộp cơm của mình sẽ phải được “Việt hóa”.
Các cô gái liệu có hiểu được rằng một hộp cơm trưa nóng sốt gửi đến tận chỗ làm cho người ấy đôi khi còn gây xúc động gấp mấy lần bữa tối cầu kỳ mà các cô dày công chuẩn bị. Bởi khoảng thời gian trước bữa trưa là khoảng thời gian “yếu đuối” cả về dạ dày lẫn trái tim.
Khi những câu hỏi “trưa nay ăn gì?” vang lên cả chục lần không có lời giải đáp, hoặc đang ngao ngán nghĩ đến bữa cơm văn phòng sặc sỡ đẹp mắt mà nuốt không vô, tự dưng có một bàn tay hiền thục mang đến hộp cơm gói kỹ trong vuông khăn vải, mở ra đúng món mình ưa thích còn nóng hổi, cả trái tim và dạ dày đều dễ thấy liêu xiêu.
|
Cầm hộp cơm trưa trên tay, người ta vừa ăn vừa mỉm cười khi nghĩ tới bạn. Bỗng dưng khoảng thời gian buổi chiều dài ra vì mong ngóng đến lúc được gặp nhau. Ai bảo cơm hộp không lãng mạn. Rủ nhau một bữa ăn sang chảnh ở nhà hàng không khó, nhưng tinh tế một chút, bạn sẽ thấy hộp cơm trưa như lời tuyên bố ngầm: “Trái tim anh ấy đã có chủ”.
Đàn ông mấy khi mang cơm hộp mẹ nấu đến cơ quan, đó hầu như chỉ có thể là của cô gái mà anh ấy yêu. Một chút ngọt ngào, một chút tự hào, một chút xúc động… nếu cô gái ấy khéo tay, chàng của cô có khi chẳng ngại mà mang hộp cơm đi khoe khắp văn phòng.
Với tôi, có yêu mới có nhu cầu chăm sóc. Bởi vậy, cho đến giờ, số người được ăn món tôi tự tay vào bếp quá hiếm hoi, làm cơm hộp lại càng không. Phụ nữ có thể thích nấu nướng, nhưng nấu ăn cho riêng một người đàn ông lại là chuyện lớn khác. Một bữa tối tại nhà đã ngọt ngào, một hộp cơm trưa cô ấy tự tay chuẩn bị cho anh lại thể hiện sự gắn bó sâu sắc. Không yêu, không thương, cô ấy sẽ chẳng mất công dậy sớm loay hoay trong bếp, mất công mang tới cho anh, mất công hồi hộp chờ phản ứng của anh. Yêu nhau mới bỏ công vì nhau. Không yêu lắm, một cú phone mời nhau đi ăn tiệm là xong.
Nhưng yêu mà, điều gì bạn làm vì người kia cũng cần tiết chế. Cơm hộp ngon đấy, ngọt ngào đấy, nhưng điểm xuyết mới hay, thường xuyên thành ra ngán. Sau này làm vợ, bạn thiếu gì cơ hội làm cơm trưa cho chàng mang đi đều đều. Còn bây giờ, hãy cứ để cơm hộp ban trưa như một nỗi thèm thuồng, một nỗi nhớ khiến chàng mong ngóng, khao khát. Có trưa thì mới có tối, có thèm thì mới có cần. Tình yêu khác hôn nhân là vậy.
Khi trò chuyện với các chị, các cô đã có gia đình, tôi mới vỡ lẽ cơm hộp của vợ còn khác cơm hộp của người yêu ở một chỗ khác. Cũng là quan tâm đấy, nhưng các bà vợ làm cơm hộp cho chồng ăn trưa còn cài vào đó mục đích giảm thiểu cơ hội đi ra ngoài của các ông chồng. Cơm hộp sẵn rồi, khỏi rủ rê đồng nghiệp đi ăn, khỏi liếc mắt đưa tình chân dài nào đấy ở quán cơm công sở, khỏi cà phê, trà đá lê la sau giờ ăn. Chẳng biết có giảm được không, nhưng tôi thấy các cô hy vọng lắm.
Kể xong chuyện này mà trời đã trưa. Hình như có anh chàng đồng nghiêp nào đó ở phòng bên đang sung sướng khoe hộp cơm bạn gái đưa cho từ sáng. 12 giờ rồi, tôi không mang cơm trưa, cũng chẳng có ai để đưa cơm cho họ, tôi đi ăn cơm tiệm.
Chúc bạn ngon miệng, dù ăn gì đi nữa!
Blog của May
Ảnh minh họa: Shutterstock
>> Blog của May: Ừ, mình chia tay đi!
>> Blog của May: Anh yêu em hay anh 'muốn' em?
>> Blog của May: Đàn ông thường nói gì khi chia tay?
Bình luận (0)