Tôi nhớ như in cái thở dài của anh hàng xóm vào tối 1.7 khi hay tin Đà Nẵng vừa ghi nhận các ca dương tính Covid-19 sau 10 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng.
10 ngày là “nửa chặng đường” để chạm đích 21 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng, và bây giờ muốn đến cái đích đó lại phải trở về vạch xuất phát. Cùng tâm trạng với anh, hôm 2.7 trên mạng xã hội cũng xuất hiện nhiều dòng trạng thái bày tỏ sự mệt mỏi vì “đếm lại ngày cho đủ đến 21”; “21 ca nhiễm 1 ngày không bằng 21 ngày nhiễm 1 ca”…
Sự mệt mỏi của người dân Đà Nẵng là dễ hiểu, bởi tính đến 3.7, Đà Nẵng đã tròn 2 tháng căng mình trước làn sóng Covid-19 lần thứ 4, mà lẽ ra người dân đã được nới lỏng sớm hơn. Còn nhớ hôm 18.6, khi đã trải qua hơn 30 ngày không có ca mắc trong cộng đồng, người dân đang phấn khởi thì lại thở dài khi TP ghi nhận ca mắc Covid-19 là nhân viên bảo vệ một công ty, mà nguồn cơn sự việc có phần đến từ sự kiểm soát lỏng lẻo ở các chốt kiểm soát dịch. TP lại phải “đếm lại từ đầu”. Và đến ngày 1.7 thì lặp lại kịch bản cũ.
Trên thực tế, chính quyền Đà Nẵng đã hết sức thận trọng khi thực hiện nới lỏng “từng nấc” (ngày 9.6 nới lỏng nấc 1 cho ăn uống tại chỗ, tắm biển; ngày 15.6 TP chuẩn bị nới lỏng nấc 2 với việc tổ chức lại hoạt động dạy học). Nhưng sẽ hợp lòng dân hơn nếu cùng với đó, TP xem xét cụ thể diễn biến dịch bệnh để đưa ra quyết định nới lỏng các hoạt động với điều kiện vẫn đảm bảo các nguyên tắc phòng chống dịch.
Chính bởi sự mong đợi đó mà hôm 2.7, thông báo của UBND TP cho hay Sở Y tế sẽ chủ trì, phối hợp các cơ quan đánh giá tình hình dịch Covid-19 trong giai đoạn hiện nay để xem xét đề xuất nới lỏng một số hoạt động kèm theo điều kiện phòng chống dịch, đã làm nức lòng người dân. Giải pháp “sống chung với dịch” tuy đã được nhắc nhiều nhưng cần thiết phải đưa ra bàn bạc cụ thể, chi tiết để áp dụng vào địa bàn đã kiểm soát dịch có hiệu quả như Đà Nẵng.
Bình luận (0)