Không phải bây giờ, tháng 3.2019, khi tỉnh Lâm Đồng công bố quyết định quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị khu vực trung tâm Hòa Bình (TP.Đà Lạt) cũng đã gặp nhiều ý kiến phản đối của dư luận. Việc quy hoạch Đà Lạt thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận, nhất là giới kiến trúc sư (KTS), chứng tỏ Đà Lạt không phải chỉ là của Đà Lạt, của người dân phố núi.
Đồ án quy hoạch và 3 phương án kiến trúc nói trên đã làm nhiều người lo ngại Đà Lạt bị bê tông hóa. Khách sạn cao tầng, trung tâm thương mại đồ sộ dồn nén vào khu trung tâm như vậy sẽ khiến Đà Lạt không còn là chính mình mà na ná nhiều đô thị khác.
Nhiều KTS cũng đã nói thẳng, quy hoạch này thấy rõ là dự án bất động sản chứ không thể hiện được nét đặc trưng, hồn cốt của Đà Lạt. Ngoài khí hậu “trời ban” thì cảnh quan, kiến trúc (được ví như bảo tàng kiến trúc Pháp) chính là những thứ đã làm nên thương hiệu, đặc trưng riêng có của Đà Lạt.
Dinh tỉnh trưởng (110 năm tuổi) đã gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của Đà Lạt. Không chỉ vậy, khu vực đồi Dinh này cũng là nơi duy nhất ở trung tâm Hòa Bình còn được mảng xanh hiếm hoi với những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Nói như KTS Lê Quang Ngọc (hội viên Hội KTS Việt Nam): “Đây là một viên kim cương, một viên ngọc cuối cùng của TP.Đà Lạt, nếu mất đi thì chúng ta chẳng còn cái gì nữa, Đà Lạt sẽ chỉ là những đống bê tông hổ lốn, thiếu những khoảng lặng. Đây là một khoảng lặng rất cần thiết cho một đô thị hiện đại và cho rất nhiều thế hệ mai sau”.
Với Đà Lạt, nếu có làm gì đi nữa, hãy giữ lấy hồn cốt, giữ lấy đặc trưng của miền xứ lạnh. Đừng để người dân cảm thấy Đà Lạt xa lạ; du khách xa lánh vì Đà Lạt không còn bản sắc.
Bình luận