Khóc cho một dòng sông

Đức Nguyễn
Đức Nguyễn
05/06/2021 05:00 GMT+7

Dòng chính sông Đồng Nai chảy qua 5/8 tỉnh thành thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía nam với tổng chiều dài 513 km.

Sông Đồng Nai không chỉ là nguồn cung cấp nước sạch cho Đồng Nai, TP.HCM, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước… mà còn góp phần quan trọng bảo đảm an ninh nguồn nước cho sự phát triển bền vững.
Bộ TN-MT đã lập quy hoạch tài nguyên nước các lưu vực sông và thành lập các ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông lớn nhằm triển khai cơ chế điều phối, giám sát các hoạt động về tài nguyên nước có tính liên ngành, liên lĩnh vực, liên địa phương.
Tuy nhiên, Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai cũng thừa nhận ô nhiễm môi trường hiện vẫn là vấn đề nổi cộm tại các tỉnh thành, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nguồn nước. Mặc dù các phiên họp của ủy ban này đều đưa ra các cam kết như “nói không” với việc cấp phép các dự án gây ô nhiễm môi trường, tăng cường thanh tra, kiểm soát các doanh nghiệp hoạt động gần lưu vực sông, quan trắc thường xuyên chất lượng nguồn nước, cắm mốc cảnh báo sạt lở và kiên quyết xử lý các hành vi lấn chiếm, xây dựng nhà cửa trái phép, xả thải bẩn ra sông…
Thế nhưng, tình trạng cấp phép tràn lan cho các dự án thuê đất mặt nước, bến thủy nội địa, đặc biệt là tình trạng khai thác cát sỏi trái phép, xả thải nguy hại từ các nhà máy, khu công nghiệp, rác thải sinh hoạt, lấn chiếm, cơi nới nhà cửa… nhan nhản từ thượng nguồn cho tới hạ nguồn sông Đồng Nai. Việc phát tán chất ô nhiễm không những làm suy giảm chất lượng nước sông, tác động tiêu cực đến môi trường thủy sinh, hệ sinh thái mà còn trả giá đắt cho sức khỏe con người.
Để bảo vệ bờ, lòng sông cũng như tài nguyên nước, các địa phương - đặc biệt những tỉnh thành được thụ hưởng lợi ích do chính sông Đồng Nai mang lại - cần thực thi “nghiêm túc và có trách nhiệm” các cam kết, đừng rơi vào tình trạng “cha chung không ai khóc”, để rồi phải khóc cho một dòng sông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.