Bloomberg chọn Biển Đông là điểm nóng thế giới năm 2015

17/12/2014 21:48 GMT+7

(TNO) Hải quân Trung Quốc đụng độ với ngư dân và tàu chiến các nước láng giềng trên Biển Đông, hải quân và không quân Trung - Nhật đối đầu ở biển Hoa Đông... là những điểm nóng của thế giới năm 2015, theo dự báo của Bloomberg.

(TNO) Hải quân Trung Quốc đụng độ với ngư dân và tàu chiến các nước láng giềng trên Biển Đông, hải quân và không quân Trung - Nhật đối đầu ở biển Hoa Đông... là những điểm nóng của thế giới năm 2015, theo dự báo của Bloomberg ngày 17.12.

Hãng tin Bloomberg: Biển Đông là điểm nóng thế giới năm 2015Tàu Trung Quốc (trái) hùng hổ tấn công tàu Việt Nam đang làm nhiệm vụ chấp pháp tại vùng biển Việt Nam, nơi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan dầu Hải Dương - 981 vào tháng 5.2014 - Ảnh: Độc Lập
Hãng tin Bloomberg ngày 17.12 đưa ra các dự báo điểm nóng trên thế giới năm 2015, từ đụng độ hải quân giữa Trung Quốc và láng giềng quanh chủ quyền các quần đảo tranh chấp đến căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên, Đông Âu, Trung Đông... Bên cạnh đó là tác động của việc giá dầu giảm, thị trường tài chính - tiền tệ thế giới bất ổn...
Theo Bloomberg, những điểm nóng tiềm tàng ở châu Á có thể là bùng nổ sự đối đầu giữa hải quân Trung Quốc với ngư dân trên Biển Đông, máy bay Trung Quốc và Nhật Bản đụng độ trên khu vực quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Sự leo thang đụng độ này sẽ lôi kéo các đồng minh vào, và châm ngòi cho căng thẳng về chủ nghĩa dân tộc.
"Rủi ro về địa chính trị sẽ diễn ra rất phổ biến trong năm tới, khi tình hình Ukraine, Trung Đông hay tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản đều chưa được hóa giải trong năm 2014 này. Những xung đột âm ỉ này sẽ tiếp diễn và gia tăng theo cách đã diễn tiến trong năm 2014", ông Russ Koesterich, trưởng bộ phận chiến lược đầu tư của BlackRock Inc. (New York) nhận định.
Tàu hộ vệ tên lửa của Trung Quốc bảo vệ việc xây dựng, củng cố đá Gạc Ma chiếm của Việt Nam ở Trường Sa - Ảnh: Mai Thanh Hải
Không có nơi nào trên thế giới đang có sự đối đầu giữa quân đội các nước như ở các vùng biển quanh Trung Quốc, nơi có các tuyến đường hàng hải quan trọng của thế giới.
Trung Quốc đang tranh chấp chủ quyền biển Hoa Đông với Nhật Bản và Hàn Quốc. Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền đối với 90% Biển Đông bằng việc tung ra bản đồ đường 9 đoạn (đường lưỡi bò) , ôm hết cả quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Hồi tháng 5.2014, Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển Việt Nam, gây ra ăng thẳng giữa 2 nước và cả khu vực. Tàu Trung Quốc còn liên tục đâm húc tàu Việt Nam làm nhiệm vụ chấp pháp tại đây, thậm chí còn đâm chìm tàu cá Việt Nam. Đến giữa tháng 7 Trung Quốc mới chịu rút giàn khoan này.
Trung Quốc còn ồ ạt đổ đất cát xây mới đảo nhân tạo tại đá Gạc Ma chiếm của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa, biến nơi này thành căn cứ quân sự khống chế cả khu vực - Ảnh: Mai Thanh Hải
Đến tháng 10, Trung Quốc thông báo hoàn thành đường băng trên đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị nước này chiếm đóng trái phép. 
"Những yêu sách hung hăng về chủ quyền trên biển của Trung Quốc có thể diễn tiến xấu đi. Trung Quốc đang quyết tâm mở rộng chủ quyền trên biển và luôn có nguy cơ xảy ra sự cố về hải quân với Nhật Bản, Việt Nam, Philippines khi tình hình leo thang ngoài tầm kiểm soát", ông Philippe Moreau-Defarges, Viện Quan hệ quốc tế Pháp tại Paris bình luận.
Còn giáo sư Andrew Erickson, thuộc Bộ phận nghiên cứu chiến lược trường Chiến tranh Hải quân Mỹ (Newport, bang Rhode Island) cho rằng mục tiêu của lãnh đạo Trung Quốc là muốn tạo ra một "vùng ngoại lệ", theo đó các trật tự đã được thiết lập dựa trên luật lệ trước đây sẽ bị thay thế bằng việc chấp nhận lợi ích và quyền hạn của Trung Quốc.
Hải quân Trung Quốc ngày càng gia tăng sự hiện diện trên Biển Đông, biển Hoa Đông trong các tranh chấp chủ quyền với các nước láng giềng - Ảnh: Reuters
Các tranh chấp hàng hải ở Đông Á đang trầm trọng hơn do sự gia tăng chủ nghĩa dân tộc tại Nhật Bản. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã làm Hàn Quốc và Trung Quốc giận dữ bằng việc viếng thăm đền Yasukuni (tưởng niệm một số tội phạm chiến tranh của Nhật Bản thời thế chiến II) vào tháng 12.2013 khi vừa nhậm chức Thủ tướng.
"Chúng tôi nhìn thấy rủi ro đến từ những căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Không ai nói về điều này, nhưng nếu các công ty Trung Quốc dừng nhập khẩu các sản phẩm từ Nhật Bản, thì các ngân hàng trung ương sẽ khó mà tồn tại", đó là nỗi lo của Claudia Panseri, một chiến lược gia về chứng khoán toàn cầu tại ngân hàng SG Private Banking ở Paris.
Hãng tin Bloomberg: Biển Đông là điểm nóng thế giới năm 2015 5Kịch bản đụng độ xảy ra giữa Trung Quốc với Nhật Bản ở biển Hoa Đông và với các nước láng giềng trên Biển Đông năm 2015 - Minh họa: Bloomberg
Ngoài ra, thế giới còn phải chứng kiến những điểm nóng khác trên thế giới năm 2015, như tình hình Ukraine, Trung Đông, Iran, Bắc Triều Tiên, phiến quân Hồi giáo... Bên cạnh đó là những rủi ro về kinh tế - tài chính như giá dầu giảm ảnh hưởng đến kinh tế các nước xuất khẩu dầu mỏ, vai trò của Mỹ trên thế giới bị nghi ngờ khi năm 2015 là năm chạy đua cho cuộc bầu cử tổng thống 2016...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.