Triển vọng giải quyết vấn đề biển Đông qua ASEAN

11/08/2014 00:34 GMT+7

Nhiều nhà ngoại giao nói rằng họ vừa tìm thấy lại ở ASEAN khả năng giải quyết các tranh chấp phức tạp trong khu vực.

Nhiều nhà ngoại giao nói rằng họ vừa tìm thấy lại ở ASEAN khả năng giải quyết các tranh chấp phức tạp trong khu vực.

 
Ngoại trưởng các nước Asean và các đối tác đối thoại dự Hội nghị ARF tại Myanmar ngày 11.8 - Ảnh: Thục Minh

“Niềm tin vừa hồi sinh”, như cách gọi của Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa, được “tìm thấy lại” sau 3 ngày hội nghị lần thứ 47 giữa các ngoại trưởng ASEAN (AMM) và với những người đồng cấp từ nhiều cường quốc đối tác tại thủ đô Naypyitaw của Myanmar. Phát biểu sau khi chương trình hội nghị kết thúc vào gần khuya 10.8, ông Natalegawa cho hay: “Các cuộc họp vừa qua thật sự bàn bạc nghiêm túc nhiều vấn đề an ninh khu vực và trên thế giới. Rất nhiều quốc gia trong và ngoài khối đã đem đến hội nghị nhiều giải pháp cho các vấn đề nan giải trong khu vực của chúng ta, dù đó là an ninh bán đảo Triều Tiên hay tranh chấp biển Đông”. Và ông chia sẻ: “Tôi rời hội nghị này với cảm giác về một niềm tin vừa hồi sinh rằng ASEAN có thể gánh vác được công việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực, đặc biệt với vấn đề phức tạp như biển Đông”.

Giáo sư Carlyle Thayer từ Học viện Quốc phòng Úc nhìn nhận với Thanh Niên: “Mặc dù không phải là một quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở biển Đông, nhưng Indonesia hết sức quan ngại trước cách thức mà Trung Quốc hành xử với VN trong việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981”. Điều đó giải thích vì sao ông Natalegawa tỏ ra đặc biệt phấn khởi và lạc quan khi ông chia sẻ: “Chúng ta đang trên con đường tiến tới việc thực thi đầy đủ Tuyên bố các bên về ứng xử biển Đông (DOC), một văn kiện tương đối hoàn chỉnh mà chúng tôi vừa cụ thể hóa các bước cần thực hiện. Chúng tôi cũng cam kết sẽ làm việc không mệt mỏi và chắc chắn để nhất định sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử biển Đông (COC) với Trung Quốc”.

Về phía bên kia trong tranh chấp biển Đông, ông Natalegawa cho biết: “Trung Quốc cũng đã nói về nhu cầu sớm có COC. Đó là điều hoàn toàn tương phản với trước đây. Hồi đó, họ không bao giờ muốn đề cập tới COC. Thậm chí họ còn muốn loại khái niệm này ra khỏi các văn bản”. “Với những bước tiến như vậy, tôi hoàn toàn tin tưởng ASEAN có thể giải quyết được vấn đề”, ông tự tin.

Sự tự tin và những thông tin mà Ngoại trưởng Indonesia chia sẻ cũng đồng điệu với niềm lạc quan từ phía đoàn cán bộ ngoại giao VN dự hội nghị. Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh nói trước báo chí rằng ông “rất hài lòng” với những tiến bộ trong vấn đề biển Đông tại hội nghị lần này. Tiến bộ đó thể hiện một phần qua bản Thông cáo chung của AMM. Bản thông cáo với tính cách như một cương lĩnh, phương hướng hành động về mọi mặt của ASEAN trong thời hạn vài thập niên tới đã dành một phần thời lượng đáng kể để đề cập tình hình phức tạp ở biển Đông, những mối quan ngại và các giải pháp nhằm làm giảm căng thẳng và đảm bảo hòa bình, ổn định lâu dài tại đây.

Nhu cầu cấp thiết

Giới báo chí cũng đặt vấn đề liệu những gì được đưa ra trong các tuyên bố chính thức hay lời nói đôi khi nặng tính chiến thuật có thực sự là thật tâm hay không. Trả lời điều này, Ngoại trưởng Natalegawa nói: “Tại hội nghị đã có những đề nghị nên đối thoại thay vì ra nhiều tuyên bố. Bởi các tuyên bố đôi khi chẳng ai nghe. Tôi cũng phải tự đặt câu hỏi liệu những lời nói có phải chỉ là ngoại giao. Nhưng tôi tin vào lúc này đó là mong muốn thật sự”.

Đồng quan điểm với ông Natalegawa, Giáo sư Thayer phân tích: “Mỗi lần sắp đến Hội nghị ASEAN và các hội nghị liên quan cũng là lúc bắt đầu một “mùa ngoại giao”. Khi đó Trung Quốc luôn sẵn sàng đưa những động thái mềm dẻo. Việc rút giàn khoan Hải Dương-981 ra khỏi vùng biển VN trước thời hạn thông báo là một ví dụ để tránh bị chỉ trích tại hội nghị”. “Tuy nhiên, ở thời điểm này, có một sự khẩn cấp yêu cầu phải thực thi đầy đủ DOC, đặc biệt là nguyên tắc tự kiềm chế. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng chịu nhiều áp lực từ nhiều phía buộc phải đẩy nhanh tiến độ đàm phán COC”, nhà quan sát này lý giải. Về phía ASEAN, ông cho rằng sự nhất trí cao giữa các thành viên trong khối về vấn đề biển Đông lần này là do “họ cũng quan ngại về những hệ lụy an ninh từ việc Trung Quốc xây cất ở biển Đông và khả năng giàn khoan Hải Dương-981 có thể tái xuất hiện ở cả những chỗ khác”.

Trước câu hỏi liệu Trung Quốc có “nói một đường, làm một nẻo” sau hội nghị này, hay dùng sức mạnh kinh tế để tác động lên một số thành viên ASEAN để phục vụ ý đồ của mình, Ngoại trưởng nước chủ nhà Wunna Maung Lwin bác bỏ hoàn toàn. Ông Wunna Maung Lwin nói rằng cá nhân ông và các đồng nghiệp ASEAN cảm nhận được mong muốn của Trung Quốc trong giải quyết vấn đề biển Đông. “Khi các nước đối tác đến với ASEAN, họ phải đến đây với thiện chí và đối thoại bình đẳng với chúng tôi. Không có chuyện một nước lớn đến đây có thể áp đặt uy quyền của mình lên ASEAN”.

Với một chút kiêu hãnh trong vai trò nước chủ nhà ASEAN năm 2014 và đã tổ chức thành công nhiều hội nghị của khối với kết quả đáng khích lệ, ông Wunna Maung Lwin nói: “Lẽ ra tranh chấp được giải quyết bởi các bên liên quan. Nhưng ASEAN đã nhận về mình vai trò làm công cụ giải quyết vấn đề này”.

Thục Minh
(từ Naypyitaw, Myanmar)

>> Biển Đông trong Thông cáo chung của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN
>> Hội nghị ASEAN: Ngoại trưởng Mỹ để ngoại trưởng Trung Quốc chờ hơn nửa tiếng
>> ASEAN lo ngại 'cực độ' về biển Đông, nhưng 'tránh' nhắc tên Trung Quốc
>> Khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Myanmar
>> ASEAN bàn cơ chế giám sát an ninh biển

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.