Dấu hiệu để hãng tin này đưa ra nhận định trên do nhà phát triển bất động sản lớn thứ hai cả nước gia nhập nhóm "những doanh nghiệp không thể trả nợ trái phiếu đúng hạn".
Cụ thể, vào đầu tuần này, Tập đoàn Đầu tư Novaland sẽ hoãn thanh toán khoản nợ 1.000 tỉ đồng (42 triệu đô la Mỹ) đến hạn vào 12.2.2023 và yêu cầu chủ sở hữu gia hạn hoặc chuyển tiền gốc thành các sản phẩm bất động sản của mình. Doanh nghiệp cho biết đang tìm cách trong vòng 2 tháng để trả hết nợ.
Cũng theo bài báo này, Novaland là cái tên "nổi bật" trong nhóm các công ty Việt Nam đang rơi vào tình trạng chậm thanh toán trái phiếu. Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, 54 công ty - nhiều trong số đó thuộc lĩnh vực bất động sản - đã đóng cửa tính từ 31.1, tăng 6 công ty so với tháng trước.
Điều này cho thấy, cuộc khủng hoảng tiền mặt trong lĩnh vực bất động sản đang "trở nên tồi tệ hơn". Với hàng tỉ USD trái phiếu sẽ đáo hạn trong năm nay, dẫn đến nguy cơ cuộc khủng hoảng lớn hơn cho ngành ngân hàng và cả nền kinh tế.
Trao đổi với Bloomberg, chuyên gia phân tích Xavier Jean của S&P Global Ratings, nhận định đây mới chỉ là khởi đầu. Ngành bất động sản Việt Nam sẽ chứng kiến thêm nhiều vụ gia hạn nợ, tái cấu trúc, thậm chí là phá sản trong thời gian tới. Không chỉ lĩnh vực xây dựng, cả các công ty ở những ngành khác cũng đang đứng trước rủi ro.
Bài báo tiếp tục dẫn thông tin từ 2 bài báo trong nước. Theo số liệu mà Bộ Công thương công bố tuần trước, dựa trên ước tính của Hiệp hội bất động sản TP.HCM, các doanh nghiệp bất động sản có khoảng 130.000 tỉ đồng trái phiếu đáo hạn trong năm nay. Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, trước Novaland, các tập đoàn lớn như: Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát Holdings và Sunshine cũng đã tìm cách gia hạn nợ trái phiếu.
Cổ phiếu của Novaland đã giảm 1,7% vào thứ năm (23.2), sau khi giảm 6,6% vào ngày hôm trước.
Ngoài ra, Bộ Tài chính Việt Nam đã đề xuất sửa đổi nghị định cho phép các công ty kéo dài thời gian đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp thêm 2 năm để giảm bớt tình trạng thiếu vốn. Dự thảo sửa đổi, đã được trình lên chính phủ, bao gồm cho phép chuyển đổi gốc và lãi trái phiếu thành các khoản vay hoặc các tài sản khác. "Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo - và liệu sự lây lan vỡ nợ chéo có xảy ra hay không - sẽ vẫn là mối quan tâm lớn đối với thị trường lúc này", bài báo dẫn nhận định từ nhà đầu tư của Công ty Chứng khoán SSI và cho rằng, bắt buộc ngay bây giờ là tổ chức triệu tập cuộc họp của những người nắm giữ trái phiếu để thảo luận về các giải pháp, bao gồm mua lại, bảo lãnh thêm hoặc miễn trừ khả năng vỡ nợ.
Bình luận (0)