Các bộ ảnh kỷ yếu không chỉ là nơi để lưu giữ những khoảnh khắc, kỷ niệm đẹp của tuổi học trò mà đây còn là cơ hội để các bạn học sinh thể hiện sự sáng tạo, độc đáo của mình.
Bộ ảnh kỷ yếu này gây chú ý bởi khái niệm vô cùng ấn tượng. Mỗi học sinh sẽ hóa thân thành một nhân vật trong các tác phẩm văn học như: Chí Phèo, Vợ chồng A Phủ, Số đỏ, Tắt đèn, Vợ nhặt, Truyện Kiều, Tấm Cám… để mỗi bức ảnh là một tác phẩm văn học hiện ra. Bằng sự chỉn chu trong cách tạo hình từ trang phục cho tới thần thái đã giúp những bức ảnh trở nên có hồn và nhận được "cơn mưa" lời khen từ cộng đồng mạng.
Các nhân vật trong chuyện cổ tích Tấm Cám được các bạn học sinh hóa thân thành
NVCC
Chia sẻ về ý tưởng thực hiện bộ ảnh, Dương Nguyễn Thùy Linh, nữ sinh hóa thân vào nhân vật Thị Nở cho hay: "Đa số các thành viên trong lớp đều học tốt môn văn và có niềm yêu thích với văn học. Đồng thời, khi nghe bài giảng và được cô giáo chủ nhiệm cho trải nghiệm thực hành, diễn lại một số tác phẩm văn học trên lớp để lấy điểm học tập thì chúng mình đã rất hứng thú và bắt đầu lên ý tưởng cho bộ ảnh kỷ yếu này".
Hình tượng Thị Nở, Chí Phèo, Bá Kiến được các bạn học sinh thể hiện đúng thần thái của từng nhân vật trong truyện ngắn của nhà văn Nam Cao
NVCC
Theo Linh các nhân vật hóa thân phần lớn do các bạn tự chọn và sau đó cả lớp ngồi lại bàn bạc, góp ý chung để phân vai phù hợp nhất và trên tiêu chí các thành viên trong lớp đều được "tỏa sáng". "Để có được thần thái giống với nhân vật trong tác phẩm, trước khi chụp chúng mình có tập trước với bạn chụp của mình ở lớp để có sự chuẩn bị tốt nhất và chủ động trong set chụp", Linh nói.
Học sinh hóa thân thành các nhân vật trong tác phẩm Số đỏ của Vũ Trọng Phụng và Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du
NVCC
Để có được bộ ảnh hoàn hảo nhất, tập thể lớp đã dành nhiều thời gian thảo luận, góp ý, bàn bạc rồi đưa ra sự thống nhất giữa các nhân vật và các tác phẩm được chọn sao cho phù hợp với sở thích, đề tài, thông điệp mà lớp hướng đến. Đồng thời, các bạn học sinh cũng đã "mạnh tay" đầu tư khoảng 18 triệu đồng cho khâu quay, chụp, chi phí thuê trang phục, phụ kiện, trang điểm…
Các nhân vật trong tác phẩm Tắt đèn của Ngô Tất Tố và Vợ nhặt của Kim Lân qua màng hóa thân của các bạn học sinh
NVCC
Nhiều người cho rằng việc đầu tư quá nhiều tiền cho những bộ ảnh kỷ yếu quá lãng phí. Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, Thùy Linh cho biết: "Mình cảm thấy bao nhiêu công sức, thời gian, tiền bạc mà tụi mình đầu tư cho bộ ảnh là rất xứng đáng và vô cùng ý nghĩa. Bởi lẽ không chỉ chất lượng ảnh tuyệt vời mà bộ ảnh còn mang tới nguồn cảm hứng cho những ai yêu thích văn học với thông điệp gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, văn học".
Linh cũng cho biết thêm: "Chụp ảnh kỷ yếu mục đích cốt lõi vẫn là để lưu giữ kỷ niệm đẹp tuổi học trò nên chỉ cần lớp thống nhất với mức chi phí ấy và thấy phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh bản thân, hài lòng với chất lượng bộ ảnh thì hoàn toàn xứng đáng để đầu tư".
Bên cạnh những tác phẩm văn học có trong sách giáo khoa thì những tiểu thuyết được chuyển thể thành phim như Mắt biếc, Em và Trịnh, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh cũng được các bạn học sinh tái hiện
NVCC
Sau khi xem bộ ảnh kỷ yếu này, Trần Lê Vân Anh, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM không khỏi trầm trồ. "Ý tưởng chụp ảnh kỷ yếu này rất độc đáo, sáng tạo. Các nhân vật được các bạn thể hiện qua bộ ảnh cũng vô cùng thần thái, đầu tư chỉn chu từ khâu trang phục, bối cảnh cho tới thiết kế. Mình nghĩ rằng sau này khi nhìn ngắm lại những bức ảnh này các bạn sẽ rất tự hào vì những điều mà các bạn đã làm được", Vân Anh chia sẻ.
Bình luận (0)