Sáng 3.4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 và hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương.
Báo cáo của các bộ ngành đánh giá kinh tế xã hội tháng 3 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, hầu hết lĩnh vực tốt hơn cùng kỳ 2023.
Trong đó, quý 1 có "10 mặt được" nổi bật. Thứ nhất, tăng trưởng GDP quý 1 đạt 5,66%, cao hơn cùng kỳ từ 2020 và cao hơn kịch bản đề ra. Cả 3 khu vực đều phát triển tốt: Nông nghiệp tăng 2,98%, công nghiệp và xây dựng tăng 6,28%, dịch vụ tăng 6,12%.
Thứ hai, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm (xuất đủ nhập xuất siêu 8,08 tỉ USD; làm đủ ăn - xuất khẩu trên 2 triệu tấn gạo, trị giá 1,37 tỉ USD; an ninh năng lượng, lương thực, cung cầu lao động được bảo đảm)...
Thứ ba, xuất khẩu tiếp tục tăng cao, tiếp tục xuất siêu lớn, góp phần bảo đảm cán cân thanh toán. Kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 3 đạt 65 tỉ USD, tăng 35,6% so với tháng trước và 12% so với cùng kỳ. Tính chung quý 1 đạt 178 tỉ USD.
Thứ tư, các lĩnh vực dịch vụ, du lịch phục hồi mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3 tăng 9,2% so với cùng kỳ; tính chung quý 1 tăng 8,2%. Số lượt khách quốc tế tháng 3 đạt gần 1,6 triệu lượt, tăng 78,6% so với cùng kỳ; tính chung quý 1 đạt trên 4,6 triệu lượt, tăng 72% (tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019 trước khi xảy ra dịch Covid-19).
Thứ năm, tình hình tài chính ngân sách Nhà nước tiếp tục được cải thiện rõ nét. Thu ngân sách Nhà nước quý 1 đạt 31,7% dự toán năm, tăng 9,8% so với cùng kỳ. Thị trường chứng khoán phục hồi tích cực, chỉ số VNIndex tăng trên 13%, giá trị giao dịch tăng 28,2%, vốn hóa thị trường 12,2% so với cuối năm 2023.
Thứ sáu, đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý 1 tăng 5,2% so với cùng kỳ (quý 1/2023 tăng 3,7%). Giải ngân vốn đầu tư công đạt 13,67% kế hoạch năm, cao hơn cùng kỳ (10,35%), số tuyệt đối cao hơn 16.500 tỉ đồng. Thu hút FDI đạt 6,17 tỉ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ; vốn FDI thực hiện đạt 4,63 tỉ USD, tăng 7,1% (cao nhất trong 5 năm qua).
Thứ bảy, phát triển doanh nghiệp tiếp tục tăng với xu hướng tích cực. Tháng 3 có 14.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 64,3% so với tháng 2; tính chung quý 1 có 36.200 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 6,9% và 23.600 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 2,4% so với cùng kỳ.
Thứ tám, các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân được cải thiện. Trong quý 1 có 93,6% số hộ gia đình đánh giá có thu nhập ổn định hoặc cao hơn cùng kỳ. Thu nhập bình quân của lao động quý 1/2024 đạt 7,6 triệu đồng/tháng, tăng 7,8% so với cùng kỳ.
Thứ chín, cải cách hành chính được chú trọng, nhất là cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Thứ mười, chính trị xã hội ổn định, quốc phòng an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh.
Nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế tiếp tục đánh giá cao kết quả và triển vọng của kinh tế Việt Nam. ADB dự báo năm 2024 Việt Nam tăng trưởng 6%, Ngân hàng HSBC dự báo tăng 6,3%, Ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng 6,7%, S&P dự báo tăng 6,8%...
Dù vậy, người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý nhiều thách thức trong thời gian tới cả trong và ngoài nước. Hoạt động sản xuất kinh doanh trong một số lĩnh vực còn khó khăn; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn lớn. Mặc dù mặt bằng lãi suất cho vay giảm, nhưng lãi suất đối với các khoản dư nợ hiện tại còn cao; tiếp cận vốn còn khó khăn...
Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến bài học tích cực, chủ động và làm việc nào dứt điểm việc đó, có trọng tâm, hiệu quả. Ví dụ như các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên toàn quốc sử dụng hóa đơn điện tử hiện đã đạt 99,96%, việc này đã hoàn thành trong vòng 3 tháng, thay vì 2 năm như báo cáo của các bộ ngành.
Tương tự, dự án đường dây 500 kV mạch 3 chậm trễ nhiều năm nhưng đang cơ bản bảo đảm tiến độ để hoàn thành vào tháng 6.2024. "Hai ví dụ này cho thấy cần quyết tâm cao và cách làm đổi mới để thúc đẩy công việc", Thủ tướng nêu.
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh thực hiện cao nhất, tốt nhất, phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu trong năm 2024 với tinh thần "5 quyết tâm", "5 bảo đảm" và "5 đẩy mạnh" trong thời gian tới.
Bình luận (0)