Bò bít tết 'nhanh chân còn, chậm chân thì hết' hơn 50 năm ở Sài Gòn

Lưu Trân
Lưu Trân
19/04/2018 13:31 GMT+7

Món Âu bán trong quán Âu thì bình thường, món Âu mà bán trong quán ăn Trung Hoa, lại còn thách thức thực khách 'nhanh chân thì còn, chậm chân thì hết' thì đúng là thật...lạ lùng.

“Hôm nay ăn gì?”
“Hôm nay ăn bò bít tết (beefsteak - thịt bò nướng)”.
Thường trước khi đi ăn, người ta hay hỏi nhau như vậy. Câu trả lời có thể thay đổi tùy theo sở thích của mỗi người, với tôi thì hôm nay là món bít tết.
Chưa bàn đến nơi bán hay hương vị, trước hết nói về cái tên món ăn này đã. Trong tiếng Anh, từ “beef” đứng riêng có nghĩa là thịt bò, “beefsteak” là thịt bò nướng (hoặc bò hầm)… Vậy nếu Việt hóa đúng và sát nghĩa nhất thì nên gọi món này là “bò steak”, thay vì “bò bít tết” vì sẽ bị dư ra một chữ “bò”.
Món bít tết tỏi chiên độc đáo của quán Tín Hưng Ảnh: Lưu Trân
Song, đa phần người Việt hay gọi món này là “bò bít tết”, trong menu hay trên hóa đơn tính tiền, thậm chí xuất hiện trên biển hiệu của một vài quán ăn cũng là dòng chữ tương tự. Thôi thì đó cũng như một nét riêng biệt của người Việt, gọi “bò bít tết” đôi khi lại thấy thân thương và gần gũi hơn cái món “beefsteak” ở tận trời Âu kia.
Món Âu bán trong quán Âu thì bình thường, món Âu mà bán trong quán ăn Trung Hoa, lại còn thách thức thực khách “nhanh chân thì còn, chậm chân thì hết” thì đúng thật... lạ lùng. 
Đó là quán Tín Hưng nằm tại số 370 Bis An Dương Vương (phường 4, quận 5) với tuổi đời ngót nghét gần 60 năm. Ngoài các món bít tết với khoai tây chiên, salad như những quán thông thường thì ở đây còn có món bò bít tết tỏi chiên khá độc đáo.
Một phần bít tết tỏi bao gồm miếng thịt bò to, dày, cỡ 250 gram và rất nhiều tỏi cắt lát, chiên vàng. Tuy nhiên, bít tết của quán thường được làm tái hồng theo kiểu bên ngoài chín và đỏ hồng bên trong. Nếu không quen ăn như vậy, thực khách có thể yêu cầu chủ quán cắt nhỏ để miếng thịt được chín đều hơn.
Xét về hình thức, phần bò bít tết tỏi khá “giản dị” và không bắt mắt cho lắm, thế nhưng khi ăn mới thấy hết được vị ngon nó và hiểu được tại sao muốn ăn món này phải đến trước 5 giờ chiều.
Khách của quán gồm nhiều thành phần từ học sinh, sinh viên cho đến công nhân viên chức, văn phòng... Ảnh: Lưu Trân
“Tôi mới ăn quán này được vài lần, nhưng mà ghiền rồi đó. Ban đầu là do bạn dẫn đi, sau mà thèm thì tôi tự chạy tới ăn luôn. Có vài bữa tôi đi làm về tranh thủ ghé ăn. Trễ đúng 15 phút mà đã hết sạch bít tết tỏi rồi. Thiệt tình, đi ăn bít tết 2 - 3 giờ chiều vậy nó cứ lưng lửng, không liên quan cho lắm. Nhưng vì đồ ăn ngon nên tôi cũng thỏa mãn”, anh Lê Hưng vui vẻ nói.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Chi (69 tuổi) chủ quán và cũng kiêm luôn chức bếp trưởng ở đây cho biết: “Thịt bò quán tôi đặt chỗ mối quen, chủ yếu là lấy thịt nạc lưng để làm bít tết. Phần thịt chỗ này không bị khô như những phần thịt khác, ăn để ý sẽ cảm nhận được mỡ chảy ra khi cắn miếng thịt bò, béo và ngon lắm”.
Thịt bò dày, thơm ngon có thể được chế biến tái, tái hồng đào và chín, tùy người sở thích từng người Ảnh: Lưu Trân
Trả lời về nguyên nhân tại sao riêng món bít tết tỏi lại hết từ sớm như vậy, bà chủ chia sẻ: “Thực ra là món bít tết tỏi chiên khá kén người ăn, thường đàn ông thích ăn hơn phụ nữ, với nhiều người họ ngại mùi của tỏi nên chúng tôi mới làm món này ít lại so với những món khác. Đặc biệt là tôi có quy định số lượng rõ ràng cho mỗi món, ví dụ bít tết tỏi mỗi ngày làm đủ 50 phần, bít tết khoai tây chiên thì 70 phần hay chả đùm, thú linh chiên giòn từ 90 - 100 phần. Làm ít mà chất lượng chứ làm đại trà có khi hương vị sẽ bị loãng, không còn ngon nữa”.
Cũng theo lời bà chủ, thịt bò của quán chỉ được nêm bằng hai loại gia vị là muối và tiêu, việc này nhằm giúp thực khách “khi ăn sẽ cảm nhận được độ ngọt và béo đúng nghĩa của miếng thịt bò”.
Tỏi sẽ được chủ quán lựa những tép tỏi to tròn nhất, cắt lát mỏng khoảng 3mm rồi thả vào chiên trong chảo dầu nóng đang sôi. “Trước khi chiên chúng tôi cũng ngâm tỏi sơ qa nước giấm pha loãng, ngâm một chút rồi lấy ra liền để tỏi giữ được độ giòn lâu”, bà Chi bật mí.
Một thực khách tên Minh Huy, nhận xét: “Miếng bò rất dày, ăn một phần là no luôn, thịt mềm, ngọt kết hợp với tỏi chiên mùi hơi nồng dù lạ miệng nhưng lại làm mình có cảm giác muốn ăn thêm hoài. Vợ tôi thì ăn không vậy, nhưng tôi thì thích thêm chén nước chấm gồm nước tương pha với mù tạt. Bít tết ở đây giá cao gấp đôi những quán khác, nhưng bỏ tiền ra ăn đồ ngon thì không gì phải tiếc”.
Ngoài món bít tết tỏi nổi tiếng, ở đây còn nhiều món khác cũng được lòng thực khách như thú linh chiên giòn, chả đùm, thịt nguội… Mỗi phần ăn ở đây có giá dao động từ 70.000 - 110.000 đồng/phần.
Quán mở bán từ 2 giờ 30 chiều đến 8 giờ tối Ảnh: Lưu Trân
Được biết, quán ăn này chính là tâm huyết cả cuộc đời của bà Ngọc Chi và chồng. “Ngày xưa từ quán vỉa hè, giờ lên được cái tiệm đàng hoàng. Nấu nướng là một trong những cái nghè cực nhất. Suốt ngày đầu tắt mặt tối, cứ lui cui trong bếp với dầu ăn, mắm muối… Nhưng nói đi cũng phải nói lại, nghề này cực thì cực, nhưng tôi lại thấy vui khi món ăn của mình được khách yêu thích. Vợ chồng tôi làm lụng, chắt chiu từ đó ra để nuôi mấy đứa con ăn học thành tài. Như vậy là hạnh phúc đủ đầy lắm rồi”, bà Chi tâm sự.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.