Nhiều nơi học sinh đi học hơn 90%
Từ khi cho phép mở lại cửa trường học đến ngày 7.3, UBND TP.Hà Nội quy định chỉ tổ chức dạy học trực tiếp ở những trường đóng trên địa bàn phường, xã có cấp độ dịch ở mức độ 1, 2; từ cấp độ 3, 4 sẽ chuyển sang dạy học trực tuyến. Quy định suốt thời gian qua đã dẫn tới thực tế nhiều trường học mở cửa được một vài tuần lại đóng do cấp độ dịch nâng lên theo từng tuần, dẫn tới tình trạng bị động cho cả thầy lẫn trò khi liên tục thay đổi hình thức dạy học trực tiếp - trực tuyến.
Tuy nhiên, từ ngày 5.3 đến nay, UBND TP.Hà Nội không công bố cấp độ dịch trên địa bàn nữa, hàng loạt trường học trước đó đóng cửa vì cấp độ dịch ở mức 3, 4 hoặc quá nhiều số ca F0, F1 là giáo viên (GV), học sinh (HS) vẫn chưa biết căn cứ vào đâu để mở cửa hay tiếp tục… đóng cửa. Cuối tuần qua, Sở GD-ĐT có văn bản đề nghị các trường học, cơ sở giáo dục chủ động xây dựng phương án tổ chức dạy và học trực tiếp tại trường cho các khối từ lớp 7 đến lớp 12. Thay vì hướng dẫn các trường căn cứ theo cấp độ dịch mà UBND TP công bố để đóng - mở cửa trường như trước, nay sở này giao phòng GD-ĐT các quận, huyện, thị xã là đầu mối tổng hợp, tham mưu với UBND cấp huyện trong việc xem xét, phê duyệt phương án dạy học trực tiếp của các nhà trường.
Học sinh Hà Nội đi học lại ngày 21.3 đạt tỷ lệ cao ở các trường |
M.C.TÙNG |
Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Hà Đông, cho biết sau khi nhận được văn bản này, Phòng GD-ĐT Q.Hà Đông đã yêu cầu các trường rà soát HS, GV là F0, F1 để làm căn cứ đề xuất việc cho HS lớp 7 đến lớp 9 đi học. Trên cơ sở đề xuất của các trường, Phòng GD-ĐT báo cáo UBND quận phê duyệt. Kết quả là ngày đầu tiên tổ chức dạy học dựa trên đề xuất của chính các trường đã cho thấy kết quả rất khả quan, hơn 90% HS đi học trở lại, vượt xa con số chỉ hơn 40 - 50% so với thời điểm đầu tháng 3.
Tương tự, bà Vương Hương Giang, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Hoàn Kiếm, cũng cho biết hơn 95% HS từ lớp 7 đến lớp 9 của Q.Hoàn Kiếm đã trở lại trường, số ít còn lại đều có lý do chính đáng là HS diện F0 chưa khỏi bệnh, HS F1 đang trong thời gian theo dõi…
Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie, cho biết: “Với tôi, ngày 21.3 mới là ngày Quốc tế hạnh phúc chứ không phải ngày 20.3 vì sau 3 tuần cơ sở 1 ở P.Mỹ Đình phải đóng cửa do địa bàn “vùng cam” thì ngày đầu tiên mở cửa trở lại đã có hơn 94% HS đi học so với 43% HS đi học trước đó 3 tuần, cha mẹ không băn khoăn, lo lắng khi nhận thông báo cho HS đi học trở lại như trước kia nữa…”.
Hôm nay thầy trò ai cũng rạng rỡ, vui tươi. Tôi tin từ nay sẽ không có chuyện đóng, mở cửa trường liên tục như trước nữa, số HS đi học sẽ tăng chứ không giảm.
Bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Q.Hoàn Kiếm)
Bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Q.Hoàn Kiếm), cũng cho biết số HS vắng mặt sau 3 tuần rất ít, đều có lý do chính đáng về việc đang điều trị hoặc cách ly vì thuộc diện F0, F1… chứ không ở nhà vì những “lo lắng, bất an” vì dịch bệnh như trước đây. “Hôm nay thầy trò ai cũng rạng rỡ, vui tươi. Tôi tin từ nay sẽ không có chuyện đóng, mở cửa trường liên tục như trước nữa, số HS đi học sẽ tăng chứ không giảm”, bà Quỳnh chia sẻ.
Đã qua những ngày “la liệt F0” trong nhà trường ?
Ông Đặng Việt Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An (Q.Tây Hồ), chia sẻ cách đây 2 - 3 tuần là thời điểm căng thẳng nhất, đến thời điểm ấy toàn trường ghi nhận hơn 500 F0 là HS, 80/120 cán bộ, GV cũng nhiễm Covid-19; cùng với đó rất nhiều trường hợp là F1 cũng không thể đến trường... Tình hình như vậy, nhà trường buộc phải cho hầu hết HS các khối 7, 8 nghỉ học, chỉ cố gắng “cầm cự” dạy học trực tiếp với những HS khối 9.
“Với các khối còn lại, do HS là F0, F1 nhiều đã đành, GV là F0, F1 với số lượng lớn như vậy thì nếu các em đến lớp cũng sẽ có nhiều tiết ngồi trên lớp nhưng lại phải học trực tuyến vì thầy cô phải cách ly. Do vậy, có những thời điểm tới 80 - 90% HS ở nhà học trực tuyến”, ông Hà cho hay. Do HS học trực tuyến “áp đảo” số học trực tiếp nên tuần qua nhà trường đã quyết định cho toàn bộ HS ở nhà làm bài kiểm tra giữa học kỳ 2 bằng hình thức trực tuyến để tránh xáo trộn, thiệt thòi cho HS F0, F1...
Thời điểm ấy, việc dạy học trực tiếp hay trực tuyến không phải tính theo tuần mà tính theo ngày, hầu như cuối chiều nào ban giám hiệu cũng phải ngồi tính toán cùng các tổ bộ môn, GV chủ nhiệm các khối lớp rà soát số HS, GV là F0, F1 để tính toán xem ngày mai lớp nào học trực tuyến hoàn toàn, lớp nào học “2 trong 1”. “Đến cuối tuần này, số ca F0 là HS và GV của Trường THCS Chu Văn An còn lại đã ít hơn hẳn. Toàn trường chỉ còn hơn 80 HS là F0; đa số GV nhiễm bệnh đã trở lại âm tính, hiện chỉ còn 3 - 5 thầy cô là F0... Do vậy, những lớp học đều “đầy ắp” HS từ ngày 21.3”, ông Hà nói.
Tương tự, bà Nguyễn Bội Quỳnh cho hay 2 tuần qua nhà trường cho toàn bộ HS ở nhà để kiểm tra giữa kỳ theo hình thức trực tuyến vì trước đó số HS là F0, F1 quá cao, khoảng gần 50%. Nhà trường phải tổ chức nhiều mô hình dạy học trong một thời điểm chứ không chỉ trực tiếp hay trực tuyến.
Bà Phạm Thị Lệ Hằng cũng thông tin so với tuần trước thì tuần này số HS là F0, F1 trên toàn quận đang theo chiều hướng giảm mạnh. Cụ thể, cuối tuần trước toàn quận có khoảng hơn 10.000 HS và gần 1.000 GV là F0 thì tuần này con số này giảm lần lượt là gần 9.000 HS và khoảng 800 GV. Còn nếu so với thời điểm cách đây 2 - 3 tuần thì số này giảm rất mạnh. Bà Hằng cũng nhìn nhận thời điểm đó việc dạy học rất vất vả, có trường do quá nhiều GV là F0 đã phải mời thêm cả GV hợp đồng dạy để đảm bảo tiến độ chương trình, không gián đoạn việc dạy học.
Theo ông Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Q.Đống Đa), HS đã trải qua 3/4 hành trình năm học chủ yếu theo hình thức trực tuyến do dịch bệnh. Thực tế cho thấy có sự chệch choạc trong thái độ, nếp học tập dẫn tới sự thiếu hụt ít nhiều về kiến thức của HS. Do vậy, còn lại 1/4 thời gian năm học, thầy và trò cần tận dụng hết mức để củng cố kiến thức và kỹ năng, đặc biệt với HS lớp 12, khi các em sắp thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH.
Nhiều địa phương mở cửa trường theo địa bàn, cấp học
Ngoài Hà Nội, nhiều địa phương có số ca mắc cao trong khoảng 1 tháng qua cũng thông báo cho HS trở lại trường từ ngày 21.3.
Sở GD-ĐT Hà Giang cho biết kể từ ngày 21.3, trẻ mầm non các huyện (ngoại trừ các huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên và TP.Hà Giang) và HS tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn toàn tỉnh sẽ quay trở lại học trực tiếp.
Tương tự, tại Bắc Ninh, Sở GD-ĐT yêu cầu căn cứ tình hình dịch bệnh tại địa phương, nhà trường sẽ cho HS đi học trực tiếp từ ngày 21.3. Khi tổ chức dạy học trực tiếp, các trường sẽ chỉ dạy 1 ca vào buổi sáng. Trước đó, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn, hầu hết cơ sở giáo dục tiểu học cho HS tạm dừng đến trường từ đầu tháng 3.
Đắk Lắk thì ưu tiên tổ chức dạy học trực tiếp cho HS lớp 9 và lớp 12 từ đầu tuần này nhằm nâng cao năng lực cho HS cuối cấp chuẩn bị thi tuyển sinh, thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Còn tại Nghệ An, từ ngày 4.4, HS các cấp học trên toàn tỉnh sẽ trở lại trường học trực tiếp.
Bình luận (0)