Bồ câu đưa thư - cộng sự đặc biệt của cảnh sát Ấn Độ

29/03/2023 17:42 GMT+7

Dù xã hội ngày càng phát triển, chim bồ câu hiện vẫn được chọn làm sứ giả thông tin của cảnh sát ở bang Odisha của Ấn Độ.

Kể từ năm 1946, những chú chim đã được chọn là sứ giả thông tin tại bang Odisha, Ấn Độ trong những tình huống khắc nghiệt.

Sự ra đời của các phương tiện truyền thông và điện thoại thông minh giúp việc liên lạc trở nên nhanh chóng hơn đã thay thế các hình thức thư tín lỗi thời. Tuy nhiên, cảnh sát bang Odisha thuộc miền đông Ấn Độ vẫn nỗ lực duy trì một tập quán cổ xưa - bồ câu đưa thư.

Theo tờ The Guardian, cảnh sát Ấn Độ dùng bồ câu đưa thư để trao đổi thông tin giữa các trụ sở ở những vùng hẻo lánh và giữ liên lạc với nhau. Trong trận lũ tàn khốc năm 1982 và siêu bão năm 1999, chúng còn được xem như một cộng sự đắc lực giúp cảnh sát cứu sống nhiều người.  

Là một thành viên của Quỹ Bảo tồn Văn hóa và Nghệ thuật Ấn Độ, ông Anil Dhir đang phối hợp cùng cảnh sát để tiếp tục vận hành hình thức liên lạc này. Đối với khu vực mà sóng vô tuyến không hoạt động sẽ được quân đội gửi đến 200 bồ câu Bỉ để làm thí điểm. Bởi lẽ chúng có khả năng bay một quãng đường dài (lên đến 24 km) chỉ trong vòng 15-25 phút và có tuổi thọ kéo dài 20 năm.

Bồ câu đưa thư - cộng sự đặc biệt của cảnh sát Ấn Độ - Ảnh 1.

Cảnh sát huấn luyện chim bồ câu ở Ấn Độ

REUTERS

Mặc dù cách thức liên lạc thông qua bồ câu đưa thư được ghi nhận đầu tiên ở Ai Cập vào khoảng năm 3000 trước công nguyên, nhưng mãi đến thế kỷ 16, mới bắt đầu xuất hiện ở Ấn Độ. Chim bồ câu giữ vai trò tình báo cho quân đội của nhiều quốc gia ở Châu Âu, Ấn Độ, và Myanmar trong suốt giai đoạn chiến tranh, đặc biệt là trong hai cuộc thế chiến.

“Không có nơi nào trên thế giới còn tồn tại bồ câu đưa thư ngoài Odisha, Ấn Độ, một ví dụ tiêu biểu cho thấy giá trị truyền thống vẫn hiện diện trong cuộc sống hiện đại ngày nay”, ông Dhir cho hay. Ông còn nói thêm rằng: “Vào ngày 13.4.1948, Thủ tướng Ấn Độ khi đó là ông Jawaharlal Nehru, từng dùng bồ câu để gửi thư từ thành phố Sambalpur (phía đông Odisha) đến các quan chức của thành phố Cuttack”.

Chuyện lạ: Bầy bồ câu giúp Israel thắng trận

Hiện tại, có khoảng 155 chim bồ câu như vậy được cảnh sát Ấn Độ chăm sóc ở thành phố Cuttack và trường cao đẳng quận Angul ở trung tâm thành phố Odisha. Chúng được huấn luyện thực hiện nhiệm vụ theo 3 hình thức: một chiều, hai chiều và di động (các đơn vị cảnh sát liên lạc với trụ sở trong quá trình công tác). Những lá thư tay thường được bỏ vào một hộp nhựa rồi buộc dưới chân bồ cầu.

“Đầu tiên, chúng chỉ được đưa thư trong phạm vi 3-5 km và dạy để biết cách xác định vị trí, đào tạo phục vụ nhiều nhiệm vụ khác nhau. Vì thế, cho dù trải qua nhiều thập niên, kỹ năng định vị bản đồ của chúng vẫn được đảm bảo. Chúng còn rất thông minh và có thể hiểu được mệnh lệnh”, cảnh sát huấn luyện cho biết.

Chính quyền nơi đây đã chi khoảng 142 triệu đồng mỗi năm cho việc chăm sóc chim bồ câu và trả lương cho nhân viên. Tuy nhiên, hình thức liên lạc bằng bồ câu đưa thư đang bị cho là lãng phí và lỗi thời.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.