Người xưa có câu “Nhất chim ra ràng, nhì nàng bỏ guốc”. Bồ câu ra ràng cho nhiều món ăn thơm ngon bổ dưỡng mà ngày xưa chỉ có ở... mâm nhà giàu.
Để có những món ngon từ bồ câu ra ràng, chỉ nên chọn chim mới nở chừng 2 tuần trở lại. Cỡ này thịt chim mềm, ngọt và chứa nhiều chất dinh dưỡng. Sau khi làm sạch lông, đem thui sơ trên lửa lần nữa để đảm bảo loại bỏ hết lông măng, đến khi có màu vàng ươm, bốc mùi thơm mới mổ lấy nội tạng. Nhớ là sau khi thui xong không dùng nước rửa lại vì như thế thịt chim sẽ mất ngọt và có mùi tanh.
Tùy theo từng món mà có cách làm khác nhau. Nếu nấu cháo hoặc nấu xôi thì băm thịt chim thật nhuyễn. Khi băm nhớ cho thêm gia vị như hành củ, tiêu bột, bột nêm vào để thịt thơm và dẻo hơn. Nấu cháo cần phải có đủ bộ gồm đậu xanh, hạt sen và gạo ngon. Đầu tiên, hầm gạo với đậu xanh và hạt sen cho nhừ, nếu muốn ngon nữa thì thêm nước tiết chim hoặc nước dừa xiêm cho cháo ngọt nước. Thịt chim sau khi xào chín cho vào cháo, vặn lửa nhỏ, một lúc sau thêm rau mùi vào là có thể ăn được. Cháo chim ăn nóng sẽ cảm nhận được cái ngọt ngon khó có gì sánh bằng.
|
Nấu xôi chế biến thịt tương tự như cháo, chỉ khác là chọn nếp thơm nấu xôi rồi xáo thịt chim vào nồi xôi hong trên bếp, khi nào thích ăn thì mở nắp, sẽ có một bữa xôi ngon lành.
Hảo hạng hơn là món bồ câu ra ràng hầm hoặc chưng cách thủy. Làm món này nên để nguyên con. Theo các đầu bếp lão luyện, món hầm thuốc bắc nên cho nguyên con chim vào một cái tô lớn cùng hạt sen, nếp, đậu xanh, kỷ tử, táo tàu, thục quy, ý dĩ và lá ngải cứu trộn đều, rồi đặt cái tô đó vào nồi nước hầm đến khi thịt bồ câu chín nhừ. Món này ăn nóng cả phần cái lẫn nước.
Giản dị hơn nhưng không kém phần thơm ngon là món bồ câu chưng cách thủy. Bồ câu làm sạch, cho nguyên con vào tô, nêm gia vị gồm tiêu, mắm ngon, bột nêm rồi chưng cách thủy. Chưng khi nào mềm nhừ thì ăn mới ngon.
Thịt chim bồ câu ra ràng bổ khí huyết, bồi dưỡng cơ thể nên phù hợp cho người gầy yếu, suy dinh dưỡng, phụ nữ có thai, trẻ em và người mới bệnh dậy.
Bình luận (0)