Bỏ chấm điểm với bậc tiểu học: Cần thay đổi chính sách giáo viên

12/06/2015 05:29 GMT+7

GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên -Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (ảnh) đã chia sẻ với Thanh Niên những nhận định của ông sau 1 năm ngành GD-ĐT bỏ chấm điểm với bậc tiểu học.

GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên -Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã chia sẻ với Thanh Niên những nhận định của ông sau 1 năm ngành GD-ĐT bỏ chấm điểm với bậc tiểu học.


GS Đào Trọng Thi
GS Đào Trọng Thi nói: Chúng ta chuyển từ hình thức đánh giá học sinh (HS) bằng điểm số sang một hình thức khác bằng nhận xét. Lẽ ra bỏ một hệ thống đánh giá đã quen thuộc, giáo viên (GV) đã có kinh nghiệm, sang một hình thức đánh giá mới thì mình phải có sự chuẩn bị.
Theo đúng lý thuyết thì đánh giá bằng nhận xét sẽ chính xác, xác đáng và phù hợp hơn về năng lực và trình độ của HS. Tuy nhiên, nếu quá nhiều HS giỏi và không phân hóa được trình độ, em nào cũng cùng một mức độ như nhau thì chắc chắn đấy là một hệ thống đánh giá chưa tốt. Chưa tốt vì chúng ta chuyển sang một hệ đánh giá hoàn toàn mới, không quen thuộc và không thông thường đối với GV của chúng ta.
Lẽ ra khi chuyển sang cái rất mới như vậy thì phải có sự chuẩn bị thật kỹ. Phải thí điểm, xem xét trên kết quả thí điểm ấy, đúc rút kinh nghiệm rồi mới phổ biến rộng rãi. Nếu làm như vậy thì sẽ không xảy ra tình trạng này.
Phụ huynh tại TP.HCM trả lời khảo sát của Báo Thanh Niên về chủ trương đánh giá học sinh tiểu học bằng nhận xét thay cho điểm

Phụ huynh tại TP.HCM trả lời khảo sát của Báo Thanh Niên về chủ trương đánh giá học sinh tiểu học bằng nhận xét thay cho điểm - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Giáo viên phải được đào tạo, bồi dưỡng; sĩ số lớp ít
* Như ông đã nói ở trên, việc đánh giá bằng nhận xét có thể chính xác hơn từng đối tượng HS. Tuy nhiên, do chúng ta chưa chuẩn bị tốt về điều kiện thực hiện nên mới ra kết quả như vậy. Nhưng đây cũng là cách mà các nước tiên tiến đã làm. Vậy theo ông ở nước ta cần điều kiện gì để thực hiện?
- Đã học theo cách đánh giá của nước ngoài thì cũng phải học cả những điều kiện mà người ta đã chuẩn bị để thực hiện được cách làm ấy. Tôi nghĩ là một số nội dung quan trọng mình chưa có đầy đủ điều kiện như họ. Thứ nhất, GV của họ được đào tạo, bồi dưỡng về phương pháp đánh giá HS theo cách đó. Thứ hai, thường là sĩ số HS/lớp học ở các nước này rất ít. Bởi vậy GV của họ có thể quan tâm trực tiếp đến từng HS và họ nắm được rất chắc điểm mạnh, điểm yếu của mỗi HS.
Ở nước ta sĩ số HS ở khu vực thành thị quá lớn, thậm chí nhớ tên HS còn chưa đúng thì làm sao biết rõ năng lực của từng em, biết em nào khá giỏi, yếu kém về kỹ năng gì một cách toàn diện và sâu sát được.
GV ở những nước áp dụng thành công cách đánh giá bằng nhận xét biết rõ từng HS của mình về mọi mặt chứ không chỉ có văn với toán. Sĩ số của VN thì không biết bao giờ mới rút xuống cái mức chuẩn mặc dù quy định đã có từ lâu.
* Các nhà quản lý cho rằng thành công hay thất bại của cách đánh giá này phụ thuộc chủ yếu vào yếu tố con người, đó là đội ngũ GV?
- Đánh giá theo cách nhận xét về năng lực của HS thì yêu cầu về năng lực của GV phải cao hơn rất nhiều. Nếu như chúng ta không chuẩn bị các điều kiện tốt, chu đáo, không có tập huấn, hướng dẫn kỹ càng, chi tiết thì rất có thể GV chưa thể nắm bắt được tinh thần cũng như cách làm theo phương pháp đánh giá mới. Họ không theo kịp thì họ làm hời hợt. Mà đánh giá hời hợt thì cũng như chẳng đánh giá gì cả.
Thực tế đã có rất nhiều GV làm hời hợt theo kiểu đó. Họ “ngầm” quy ra điểm với mỗi lời nhận xét. Nhận xét như thế nào thì 5, 7 hay 10 điểm. Thậm chí GV còn khắc dấu lời nhận xét chung chung để đóng vào bài làm của học trò cho nhanh. Vậy thì có khác gì cho điểm đâu.
* Nhiều ý kiến cũng cho rằng do sức ì, thói quen của GV ngại đổi mới?
-Cái đó có. Họ muốn làm việc theo thói quen, theo cách làm dễ nhất. Muốn làm theo cách đánh giá mới một cách nghiêm túc thì khó hơn, nặng nề hơn, công sức bỏ ra nhiều hơn. Khi đó thì chế độ chính sách với GV cũng phải thay đổi chứ không thể đãi ngộ thấp mà đòi hỏi phải làm việc với cường độ cao, yêu cầu chất lượng cao... được. Ví dụ, sĩ số HS phải giảm đi, quy định số giờ dạy tối thiểu của GV cũng phải giảm đi.
Tức là, khi đổi mới thì ngoài đổi mới quy định nghiệp vụ chuyên môn thì chế độ chính sách với GV phải thay đổi, chuẩn lao động đối với GV phải thay đổi.
Không nên đặt vấn đề quay lại chấm điểm
* Khảo sát của Báo Thanh Niên cho thấy có nhiều ý kiến không hài lòng với cách đánh giá mới. Thậm chí có người đề nghị quay lại hình thức đánh giá cũ - cho điểm. Theo ông đề xuất ấy có hợp lý không?
- Tôi nghĩ việc bàn quay lại hình thức đánh giá cũ là không cần thiết. Cái thiếu của chúng ta là không có bước chuẩn bị cẩn thận cho một hệ thống đánh giá mới thì chúng ta phải bổ sung vào.
* Vậy theo ông làm thế nào để chúng ta có thể vừa thực hiện cách đánh giá mới vừa bổ sung rất nhiều điều kiện mà chúng ta còn thiếu như ông nói?
- Thứ nhất, chúng ta không thể đòi hỏi vừa mới thực hiện một phương pháp đánh giá mới vội vàng như vậy mà GV, HS và cả phụ huynh phải đồng lòng và đạt ngay yêu cầu cao của phương pháp ấy. Cách đánh giá bằng cho điểm, người có kinh nghiệm hàng chục năm cũng sẽ khác người mới thực hiện. Đằng này lại là cách đánh giá bằng nhận xét. Phải xem đây là một quá trình, phải có tiến độ và hiệu quả khác nhau chứ không thể đòi hỏi ngay một lúc là phải tốt. Yêu cầu cao quá. Phải tập huấn cho GV về phương pháp, về nghiệp vụ và đúc rút kinh nghiệm để từng bước GV làm tốt hơn.
Cán bộ quản lý thừa nhận công việc của giáo viên nặng nề hơn
Với câu hỏi: “Thầy/cô đánh giá thế nào về việc thay cho điểm bằng đánh giá nhận xét HS tiểu học qua một năm học?”, có 25,7% cán bộ quản lý (CBQL) trả lời hài lòng, 24,3% không hài lòng, 28,6% bình thường và 21,4% cho rằng tốt nhưng cần phải điều chỉnh.
Như vậy, kết quả trả lời của CBQL cũng gần giống với phụ huynh (PH) nhưng mức độ hài lòng của CBQL thấp hơn đánh giá của PH một chút.
35,3% CBQL cũng cho rằng HS không động lực, 14,7% lười học đi, 22,1% cho HS chăm học hơn và 27,9% hứng thú với việc học. Như vậy 1/2 CBQL cho rằng HS chăm học và hứng thú hơn, nửa còn lại có ý kiến HS lười đi và lơ là không động lực. Đánh giá của CBQL và PH ở câu hỏi này giống nhau.
Ý kiến của CBQL cũng trùng với PH khi đánh giá kết quả học tập của HS sau một năm học. Theo đó 33,3% CBQL cho thấy HS tiến bộ hơn, 20,3% sụt giảm đi và 46,4% không thay đổi. Theo các CBQL, chỉ 8,5% PH rất đồng tình đánh giá bằng nhận xét thay cho điểm, 28,5% PH đồng tình, 45,1% cho bình thường, 14,1% không đồng tình và 4,2% rất không đồng tình.
CBQL cho rằng đánh giá bằng nhận xét, HS giảm học thêm khi có 40% PH cho con đi học thêm.
Tuy nhiên, cũng giống như GV, 69,7% CBQL cho rằng thay cho điểm bằng nhận xét khiến công việc của GV nặng nề hơn. Vì thế có 45,6% cho rằng thay cho điểm bằng nhận xét HS tiểu học chưa phù hợp.
Thanh Niên
 
Ý kiến của Bộ GD-ĐT xung quanh kết quả khảo sát của Báo Thanh Niên: Sẽ giảm nhẹ hồ sơ, sổ sách, sự vụ hành chính cho giáo viên
Trong 1 năm thực hiện đổi mới đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30 Quy định đánh giá học sinh tiểu học, Bộ GD-ĐT đã tổ chức triển khai, hướng dẫn khảo sát rút kinh nghiệm và lắng nghe ý kiến đóng góp của cán bộ, giáo viên, học sinh và dư luận xã hội.
Theo kết quả khảo sát của Báo Thanh Niên, 70% phụ huynh (PH) hài lòng (31% PH hài lòng, 30,9% cho rằng bình thường, 9,4% nghĩ là tốt nhưng cần phải điều chỉnh). Đây là một sự chuyển biến trong nhận thức của PH, đồng cảm với quan điểm mới về đánh giá HS. Cũng theo kết quả khảo sát, một trong những mục tiêu quan trọng mà Thông tư 30 hướng đến đã đạt kết quả tốt. Đó là việc giảm nhiều tỷ lệ dạy thêm học thêm (như Báo Thanh Niên đã so sánh trong số báo ra ngày hôm qua).
Cũng theo kết quả khảo sát, một trong những mục tiêu mà Thông tư 30 hướng đến đã đạt kết quả tốt. Đó là việc giảm nhiều tỷ lệ dạy thêm -học thêm. So sánh với khảo sát của Báo Thanh Niên công bố vào tháng 9.2014 (trước khi áp dụng Thông tư 30) có kết quả 75% phụ huynh cho con học thêm ở bậc tiểu học thì trong khảo sát lần này, chỉ còn 42% phụ huynh trả lời cho con học thêm. Đặc biệt là tỷ lệ cho con đi học thêm ở 2 TP lớn giảm nhiều, với Hà Nội là 46% và TP.HCM là 43%.
Tuy nhiên qua khảo sát cho thấy còn có 62,5% GV không hài lòng với cách đánh giá mới. Theo báo cáo của các sở GD-ĐT là do GV phải tăng cường độ lao động vì nhận xét nhiều HS (ở những lớp sĩ số đông), chưa quen cách đánh giá mới, lúng túng với chọn từ ngữ đánh giá, hạn chế về kỹ năng phối hợp trao đổi với PH, ngại thay đổi nếp cũ, phải làm nhiều hồ sơ sổ sách, sợ HS mất động lực học tập...
Nhằm khắc phục tình trạng này, Bộ GD-ĐT sẽ chỉ đạo quyết liệt việc đổi mới công tác quản lý, giảm nhẹ hồ sơ, sổ sách, sự vụ hành chính để GV dành nhiều thời gian cho công tác chuyên môn, hướng dẫn, giúp đỡ để HS tự tin, tiến bộ, sáng tạo; đổi mới công tác quản lý sinh hoạt chuyên môn, phổ biến các kinh nghiệm tốt về thực hiện Thông tư 30.
Đặng Ngọc Định
(Vụ trưởng Vụ GD tiểu học, Bộ GD-ĐT)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.