Những mẫu hóa thạch cổ nhất của loài bọ chét vừa được phát hiện tại Trung Quốc, giúp khám phá nguồn gốc bí ẩn của loài côn trùng hút máu này.
Bọ chét thời khủng long có chiều dài hơn 2 cm, với con cái to nhất vào khoảng 2,6 cm, trong khi con đực dài khoảng 1,47 cm. Có kích thước khổng lồ so với hậu duệ, chúng lại thiếu khả năng nhảy cao và xa. Đây là phát hiện bất ngờ về tổ tiên của các loài bọ chét, nhờ vào nhóm hóa thạch được phát hiện tại huyện Ninh Thành thuộc khu tự trị Nội Mông (Trung Quốc), với niên đại vào Kỷ Jura cách đây 165 triệu năm.
|
Nhóm hóa thạch còn lại được tìm thấy ở huyện Liêu Ninh vào thời Hậu Phấn Trắng. Đặc điểm nổi bật nhất của bọ chét thời cổ đại là phần miệng được trang bị lớp vỏ cứng đặc biệt, giống như một loại vũ khí, theo báo cáo trên chuyên san Nature.
Lý do tại sao bọ chét thời khủng long có kích thước lớn như vậy, và được trang bị “vũ khí” vẫn là một điều bí ẩn vì chỉ có một vài động vật có vú nhỏ xuất hiện trong giai đoạn Kỷ Jura cũng như đầu Kỷ Phấn Trắng. Trong khi đó, bọ chét hiện đại thường sinh sống trên các vật chủ với bộ lông dày như chó, mèo, chim chóc... Một khả năng là những ký sinh trùng trên sống nhờ vào khủng long chim, theo trưởng nhóm là tiến sĩ Andre Nel thuộc Viện Bảo tàng lịch sử tự nhiên ở Paris.
Thụy Miên
Bình luận (0)