Bộ chỉ huy hạt nhân trên không của Mỹ

Khánh An
Khánh An
06/04/2018 07:09 GMT+7

Trung tâm chỉ huy trên không nắm rõ vị trí của tổng thống và các nhân vật trọng yếu khác cũng như điều khiển kho vũ khí hạt nhân Mỹ khi cần thiết.

Nằm sâu trong lãnh thổ Mỹ, căn cứ không quân Offutt tại bang Nebraska là trụ sở của Bộ Tư lệnh chiến lược (STRATCOM), với cơ quan đầu não là Trung tâm chiến dịch toàn cầu hoạt động 24/24 giờ. Theo CNN, trung tâm dưới lòng đất này có chức năng theo dõi các vụ phóng tên lửa trên thế giới nhằm báo động trong trường hợp nước này bị tấn công. STRATCOM còn có chức năng vô cùng quan trọng là thực thi mệnh lệnh của tổng thống khi cần tấn công hạt nhân phủ đầu hoặc trả đũa. Trong trường hợp đó, Tư lệnh John Hyten cùng hơn 184.000 thuộc cấp phải sẵn sàng hành động ngay lập tức. Tướng Hyten có vai trò quan trọng đến mức Lầu Năm Góc luôn chuẩn bị sẵn một máy bay để ông có thể tiếp tục giữ liên lạc thông suốt với tổng thống và các bộ phận khác trong trường hợp chính căn cứ trọng yếu này bị tấn công.
Tại căn cứ có đồng hồ đếm ngược luôn nằm trong tầm nhìn của tướng Hyten cho biết thời gian còn lại trước khi tên lửa phóng đến, cùng thời gian dành cho ông lên khỏi hầm ngầm, lao vào xe và được đưa ngay đến đường băng nơi máy bay E-6B Mercury chờ sẵn. “Chỉ có vài phút để tôi lên máy bay và đến khu vực an toàn trước khi vũ khí hạt nhân thổi bay nơi đây”, ông cho biết.
E-6B Mercury được phát triển trên cấu trúc của mẫu Boeing 707 và mệnh danh là máy bay dành cho “ngày tận thế”. Phần lớn thiết kế và trang bị được giữ bí mật nhưng phóng viên CNN mới đây vừa được phép lên máy bay tham quan cũng như trao đổi với các sĩ quan cấp cao. Theo tướng Gregory Bowen, Phó giám đốc phụ trách chiến dịch toàn cầu của STRATCOM, dù với nhân sự ít hơn nhiều so với trung tâm dưới lòng đất, máy bay vẫn có đầy đủ chức năng như một bộ chỉ huy hạt nhân thu nhỏ.
“Từ trên máy bay, chúng tôi sẽ biết được vị trí của tổng thống, tất cả những người theo thứ tự kế nhiệm tổng thống, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, Bộ trưởng Quốc phòng và những yếu nhân khác”, ông Bowen cho biết. Bên cạnh đội ngũ chuyên gia về vũ khí hạt nhân, trên máy bay còn có cố vấn về khí tượng nhằm theo dõi sự di chuyển của các đám mây phóng xạ.
Song song với khả năng tiếp liệu trên không và hoạt động suốt nhiều ngày, máy bay được trang bị hệ thống liên lạc tối tân để có thể giao tiếp thông suốt với đội tàu ngầm hạt nhân và oanh tạc cơ chiến lược trong khi bay. Quan trọng hơn hết, E-6B Mercury có bảng điều khiển tất cả tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của Mỹ để có thể phóng sau khi nhận lệnh từ tổng thống. “Trong trường hợp cơ sở dưới mặt đất bị vô hiệu hóa, chúng tôi có thể phát lệnh khai hỏa trực tiếp từ máy bay”, ông Bowen tiết lộ.
Vào thời Chiến tranh lạnh, máy bay “ngày tận thế” hầu như luôn ở trên không để đề phòng bùng phát chiến tranh hạt nhân với Liên Xô. Những năm gần đây, máy bay vẫn thường xuyên diễn tập ứng phó mọi viễn cảnh. Theo tướng Bowen, khả năng tiến hành một cuộc chiến tranh hạt nhân từ trên không của máy bay là thông điệp răn đe mạnh mẽ đối với các đối thủ, ngăn chặn thảm họa xảy ra. Trong khi đó, CNN dẫn lời tướng Hyten cho biết ông luôn tâm niệm một khi E-6B Mercury phải thật sự hoạt động thì thế giới đối diện một thảm họa khó tưởng tượng. “Sau khi cất cánh trong lần diễn tập đầu tiên, tôi nhìn qua cửa sổ và thấy nhà của mình gần căn cứ. Nếu không phải là diễn tập thì đó sẽ là lần cuối cùng tôi có thể nhìn lại”, ông Hyten chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.